Xuân Hải: Nâng cao thu nhập cho nông dân từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(NTO) Xã Xuân Hải (Ninh Hải) hiện có 4.245 hộ/17.558 nhân khẩu, với diện tích sản xuất nông nghiệp trên 1.682 ha. Thời gian qua, với những định hướng, giải pháp phù hợp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đã góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống và giảm nghèo hiệu quả.

 
Từ sự chủ động chuyển đổi cây trồng đã giúp gia đình anh Bùi Dân Thịnh có thu nhập ổn định từ cây nho.

Đồng chí Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết: Hằng năm xã đều lập kế hoạch định hướng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây, con giống có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay… Nhờ vậy, nhiều nông hộ trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, thâm canh tăng vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để nâng cao giá trị sử dụng đất, rút ngắn thời gian quay vòng, các giống lúa, nho, bắp… cho năng suất cao được địa phương khuyến khích nông dân đưa vào sử dụng thay thế giống cũ mang lại hiệu quả cao. Đến nay, ngoài diện tích hơn 2.260 ha lúa, trong năm 2017, địa phương cũng đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng nho lên 95 ha, măng tây xanh 16 ha, tăng gần 2 ha so với năm trước; mía và bắp lai trên 10 ha tập trung ở các thôn Thành Sơn, An Xuân 2… Nhờ sản xuất tập trung gắn với áp dụng khoa học-kỹ thuật vào canh tác nên năng suất cây trồng luôn tăng hằng năm. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 6,7 tấn/ha, riêng các hộ áp dụng theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt trên 7 tấn/ha, nho đạt trên 20 tấn/ha, măng tây xanh đạt 32 tấn/ha, bắp đạt trên 5 tấn/ha. Ngoài ra, các loại cây trồng khác năng suất cũng đạt khá cao. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều hộ có cuộc sống ổn định. Đơn cử như hộ anh Diệp Bảo Thu, thôn An Xuân 3, từ việc chuyển đổi 1,3 sào lúa sang trồng măng tây xanh đã cho thu nhập khoảng 700 ngàn đồng/ngày, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như trước đây. Đáng chú ý hơn, các vùng đất gò đồi trồng màu và lúa kém hiệu quả, được nông dân cải tạo chuyển sang trồng nho xanh cho hiệu quả kinh tế đáng kể. Anh Bùi Dân Thịnh, thôn Thành Sơn, chia sẻ: Gia đình chuyển từ 1 sào lúa sang trồng nho xanh được gần 2 năm nay, qua các vụ thu hoạch, năng suất đều đạt trên 2 tấn, với giá bán bình quân 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 70 triệu đồng/vụ. Không chỉ riêng 2 hộ nêu trên mà còn nhiều hộ khác ở địa phương nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý nên quỹ đất được tận dụng hiệu quả, không có trường hợp bỏ hoang đất như trước đây…

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Xuân Hải có những hướng đi tích cực, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng và góp phần quan trọng vào quá trình giảm nghèo tại địa phương. Hiện nay, thu nhập của người dân đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn 92 hộ, chiếm 2,7%.

Nhằm đảm bảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng kế hoạch đề ra và phát triển bền vững trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Đình Thi cho biết thêm: Bên cạnh thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung; địa phương tiếp tục ưu tiên phát triển, mở rộng các loại cây trồng chủ lực bố trí trên các vùng đất thích hợp, tăng cường nâng cao kiến thức sản xuất cho nông dân; đồng thời, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp thực hiện việc bao tiêu sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.