Thuận Nam nỗ lực xây dựng thương hiệu “Nước mắm Cà Ná”

(NTO) Những năm qua, nước mắm Cà Ná ngày càng được mọi người biết đến với độ mặn mà, hương vị thơm ngon được ướp chượp chủ yếu từ cá cơm. Tuy nhiên, thương hiệu “Nước mắm Cà Ná” đã xây dựng và Hợp tác xã (HTX) nước mắm Cà Ná cũng được hình thành, nhưng hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Để việc quảng bá thương hiệu “Nước mắm Cà Ná” đến người tiêu dùng trong cả nước là bài toán cho ngành chức năng huyện Thuận Nam hiện nay.

Xây dựng thương hiệu

“Nước mắm Cà Ná” đã có từ lâu đời, cách đây hàng trăm năm. Đến nay, tại địa phương có khoảng 70 cơ sở sản xuất chế biến nước mắm tại 2 xã Cà Ná và Phước Diêm, tổng sản lượng nước mắm hơn 10 triệu lít/năm. Nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi, nguồn cá cơm dồi dào cùng với chất lượng muối đặc trưng của vùng biển Cà Ná đã tạo nên hương vị đặc trưng của nước mắm truyền thống nơi đây.

Nước mắm Cà Ná được làm theo cách truyền thống.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Thời gian qua, huyện Thuận Nam đã nỗ lực đưa thương hiệu nước mắm truyền thống Cà Ná đến với người tiêu dùng. UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo A.G.L) triển khai Dự án Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ của địa phương. Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Như vậy, việc xác lập quyền và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sẽ tạo dựng uy tín cho nước mắm truyền thống Cà Ná. Nhờ đó, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc thù của huyện Thuận Nam nói riêng và tỉnh nói chung. Vừa qua, UBND huyện ban hành Quyết định số 996a/QĐ-UBND về việc chọn đơn vị áp dụng thí điểm mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận nói trên, trong đó đã chọn cơ sở sản xuất nước mắm Hai Non tại thôn Lạc Sơn 2 (xã Cà Ná) thí điểm mô hình trong 3 tháng, sau đó sẽ đánh giá, triển khai và nhân rộng việc cấp nhãn hiệu chứng nhận cho các cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn 2 xã Cà Ná và Phước Diêm.

Đồng chí Lê Huyền, cho biết thêm: Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: sổ tay, panô, áp phích…, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX Nước mắm Cà Ná và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm trên địa bàn đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận, cấp tem nhãn hiệu “Nước mắm Cà Ná” và phát triển thị trường. Những năm tiếp theo, UBND huyện sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná, gắn với các hoạt động du lịch tại địa phương để tạo kênh phân phối sản phẩm; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm trên địa bàn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và khẳng định thương hiệu “Nước mắm Cà Ná”.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm (hơn 40 cơ sở) ở Thuận Nam nằm dọc Quốc lộ 1A nên khá thuận lợi trong việc kinh doanh. Vài năm trở lại đây, nước mắm Cà Ná phát triển khá mạnh, được thị trường trong tỉnh và một số thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên…biết đến. Doanh thu từ sản xuất nước mắm bình quân từ 180 triệu đến 200 triệu đồng/hộ/năm, cá biệt có cơ sở doanh thu từ 500 đến 700 triệu đồng/năm. Nhiều người tiêu dùng đã đánh giá “Nước mắm Cà Ná” thơm ngon, chất lượng tốt. Tuy nhiên, thương hiệu “Nước mắm Cà Ná” đã được tạo dựng, nhưng địa phương vẫn còn nhiều trăn trở. Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi được biết đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu cá nhân đối với sản phẩm nước mắm do mình sản xuất và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná”. Nói rõ hơn, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm khi đăng ký nhãn hiệu cá nhân với ngành liên quan hầu hết đều bị từ chối, với lý do khi hồ sơ chuyển đến Cục Sở hữu Trí tuệ tra cứu để cấp nhãn hiệu cá nhân cho cơ sở thì đã được chủ sở hữu đăng ký hoặc trùng lấp. Đây là nguyên nhân gây khó khăn rất lớn trong sản xuất, kinh doanh nước mắm và sử dụng nhãn hiệu cá nhân của các cơ sở cũng như đăng ký để sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná”.

Không chỉ gặp khó trong việc bảo hộ nhãn hiệu “Nước mắm Cà Ná”, mà riêng bản thân HTX Nước mắm Cà Ná, được coi là cơ sở đi tiên phong cho việc tuyên truyền thương hiệu “Nước mắm Cà Ná” cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Ông Nguyễn Văn Báu, Giám đốc HTX Nước mắm Cà Ná chia sẻ: HTX thành lập từ năm 2012 đến nay, nhưng chỉ mới có 10 thành viên tham gia, số vốn góp chỉ mới được 100 triệu đồng, vì vậy việc xây dựng địa điểm giao dịch và nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm của HTX cũng như đẩy mạnh việc phát triển nhãn hiệu “Nước mắm Cà Ná” đang gặp khó khăn. Còn bà Huỳnh Mỹ Nữ, chủ cơ sở nước mắm Trung Nữ bộc bạch: Chúng tôi rất muốn vào HTX để cùng chung tay đưa thương hiệu “Nước mắm Cà Ná” ngày càng phát triển hơn. Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy hiệu quả từ việc kinh doanh của HTX. Cùng với đó, mọi người còn e ngại về việc chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm nước mắm truyền thống của gia đình cho các thành viên khác trong HTX.

Thiết nghĩ, để thương hiệu “Nước mắm Cà Ná” truyền thống ngày càng mở rộng ra thị trường, đến tay người tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực vào cuộc của các ngành chức năng huyện Thuận Nam thì cần có sự thấu hiểu, đồng tình của các cơ sở chế biến nước mắm ở địa phương, có như vậy mới quảng bá thương hiệu rộng rãi đến người tiêu dùng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất nước mắm truyền thống phát triển.