Giải pháp ngăn chặn tình trạng dùng chất nổ khai thác hải sản

(NTO) Tình trạng dùng chất nổ khai thác hải sản trái phép đang là vấn đề đáng lo ngại, khiến cho cử tri trong tỉnh liên tục phản ánh tại những kỳ họp HĐND các cấp. Mặc dù ngành chức năng, các địa phương đã áp dụng biện pháp mạnh với các đối tượng vi phạm, kể cả truy tố trước pháp luật, nhưng tình hình vẫn chưa giảm.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản trái phép tỉnh (BCĐ) đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, quán triệt, phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc mục tiêu, nhiệm vụ, nắm chắc tình hình, tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không sử dụng chất nổ khai thác hải sản. Qua đó, ý thức của ngư dân từng bước được nâng lên trong việc khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản; đấu tranh tố giác, hỗ trợ tích cực lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán các loại chất nổ, chất độc để khai thác hải sản trái phép. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận ngư dân do lợi ích kinh tế trước mắt cố tình lén lút sử dụng chất nổ khai thác hải sản gây bức xúc trong dư luận. Năm 2017, các đơn vị là thành viên BCĐ đã tổ chức hàng chục đợt tuần tra, kiểm soát, qua đó bắt 6 vụ tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép 1.042 kg chất nổ; trong đó, Công an Ninh Thuận bắt 1 vụ tàng trữ khối lượng lớn thuốc nổ trái phép, lên đến 1.030 kg.

Theo đồng chí Đặng Văn Tín, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, sở dĩ các đối tượng tàng trữ, buôn bán trái phép chất nổ là do hình thức xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe; trong khi đó, công tác tuần tra, kiểm soát, bắt giữ các vụ vi phạm hết sức khó khăn, đối tượng dễ dàng qua mắt lực lượng làm nhiệm vụ bằng những hình thức tinh vi như thả chất nổ xuống biển phi tang... Khi kiểm soát trên biển khó khăn, giải pháp ngăn chặn triệt để của BCĐ đưa ra là truy tìm tận gốc những nơi cung cấp chất nổ. Trong năm, Sở Công Thương phối hợp với lực lượng Công an tổ chức thanh tra an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 8 doanh nghiệp từ công trường và kho chứa, kết quả các đơn vị đều chấp hành quy định về quản lý vật liệu nổ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có để thất thoát vật liệu nổ ra ngoài hay không khó mà kiểm chứng. Thượng tá Khuất Mạnh Hùng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: Số chất nổ ngư dân sử dụng khai thác hải sản trái phép hiện nay là phục vụ cho công nghiệp, khi bị bắt giữ đối tượng khai mua ngoài tỉnh, nhưng không loại trừ một phần rò rỉ từ công nhân ở các công trường khai thác đá trên địa bàn tỉnh bớt xén, chiếm đoạt bán lấy tiền. Do đó, để hạn chế các vụ vi phạm, bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các doanh nghiệp không để thất thoát vật liệu nổ.

Có thể thế nói, thời gian qua, BCĐ đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép; trong đó, giải pháp vận động ngư dân làm nghề vây rút mùng (mắt lưới nhỏ hơn quy định) khai thác ven bờ chuyển đổi ngành nghề được coi là căn cơ nhất, bởi đây là bộ phận tiêu thụ hầu hết số chất nổ bị thất thoát. Đồng chí Đặng Văn Tín cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp kiểm tra, kiểm soát các chủ tàu làm nghề vây rút mùng, qua đó thu hồi 46 giấy phép của các trường hợp vi phạm; đồng thời, đề nghị ngân hàng dừng cho vay vốn đối với chủ phương tiện. Tuy nhiên, đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài, để đảm bảo cuộc sống, tạo sinh kế cho ngư dân, Chi cục Thủy sản tham mưu BCĐ triển khai chương trình vận động ngư dân chuyển đổi từ nghề vây rút mùng mắt nhỏ sang nghề vây rút mùng mắt lớn vươn khơi xa đánh bắt, chọn xã Thanh Hải (Ninh Hải) làm thí điểm, sau đó áp dụng trên toàn tỉnh. Thực hiện chương trình, ngành chức năng phốp hợp với địa phương đã tổ chức các cuộc đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Điều đáng mừng là hầu hết ngư dân làm nghề vây rút mùng đồng tình với chủ trương của tỉnh, mong muốn được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để chuyển nghề, cam kết không sử dụng chất nổ khai thác hải sản nhằm bảo vệ tài nguyên biển.