Thế giới trong tuần

1. Trong tuần thông tin rất đáng chú ý, đó là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 7-12 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin những người di cư bị mua bán làm nô lệ ở  Libya, đồng thời kêu gọi công lý cho các nạn nhân.  

Trong tuyên bố đưa ra tại phiên họp chính thức ngày 7-12, Đại sứ Koro Bessho của Nhật Bản, nước giữ chức Chủ tịch HĐBA trong tháng 12, nêu rõ HĐBA gồm 15 thành viên lên án việc mua bán người di cư, nêu rõ đây “là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ngang với tội ác chống lại loài người”. Tuyên bố kêu gọi các nhà chức trách điều tra việc này ngay lập tức và trừng trị các thủ phạm. Tuyên bố nhấn mạnh rằng cần phải tôn trọng phẩm giá và quyền con người của tất cả người di cư. HĐBA hối thúc giới chức Libya và tất cả các nước thành viên LHQ tuân thủ những nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế, nhấn mạnh rằng cần phải xóa sổ những trung tâm giam giữ bất hợp pháp người di cư tại Libya và chuyển những người bị giam giữ sang các cơ sở do nhà nước quản lý. HĐBA cũng khuyến khích nhà chức trách Libya tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các cơ quan LHQ để đảm bảo rằng nhân viên nhân đạo được tiếp cận các trung tâm giam giữ này. 

Cũng trong tuyên bố nói trên, HĐBA khuyến khích sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và LHQ nhằm bảo vệ tính mạng người di cư và người tị nạn. Ngoài ra, HĐBA nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp những nỗ lực nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của làn sóng người di cư ồ ạt một cách toàn diện để ngăn chặn tình trạng bóc lột người di cư và tị nạn. 

Libya là điểm khởi hành chính của hầu hết những người di cư châu Phi tìm cách vượt biên sang các nước châu Âu qua Địa Trung Hải. Đây là thách thức hết sức khó khăn đối với nhà chức trách khi vừa phải giải quyết vấn đề người di cư bị lừa trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người và vấn đề an toàn của người di cư trái phép qua Địa Trung Hải.

2. Thông tin cũng rất đáng quan tâm, là ngày 7-12, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các lực lượng chính phủ Syria và các tay súng đồng minh đã giải phóng những làng mạc cuối cùng ở khu vực phía Tây sông Euphrates khỏi sự kiểm soát của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. 

Thông báo của người đứng đầu SOHR Rami Abdel Rahman nêu rõ IS đã bị “quét sạch” ở khu vực phía Tây sông Euphrates. Tuy nhiên, các tay súng IS vẫn kiểm soát phía Đông của sông này, tức là khu vực phía Bắc của tỉnh giàu dầu mỏ Deir Ezzor. Với 8% lãnh thổ của Deir Ezzor nằm trong tay IS, tỉnh miền Đông Syria này là khu vực có sự hiện diện đông đảo nhất của các tay súng IS. 

Trước đó một ngày, hãng thông tấn SANA của Syria đưa tin các lực lượng an ninh nước này đã tái chiếm hàng chục ngôi làng ở bờ phía Tây sông Euphrates từ tay IS. Ở phía Đông Euphrates, IS hiện đang hứng chịu 2 mũi tấn công từ các lực lượng chính phủ Syria và các tay súng người Kurd (Cuốc). 

IS đã bị tiêu diệt đáng kể và nay chỉ còn hiện diện ở các khu vực phía Đông của các tỉnh Homs và Hama, trong khi các lực lượng đồng minh với chính phủ Syria kiểm soát các khu vực phía Nam. 

3. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) ngày 5-12 thông báo một chiến dịch chung của giới chức Đức, Mỹ và Belarus đã góp phần ngăn chặn thành công hệ thống mã độc có tên gọi “Andromeda” hay “Gamarue” tấn công hơn 2 triệu máy tính trên toàn cầu.

Theo thông báo của Europol, với sự hỗ trợ của tập đoàn công nghệ Microsoft, cảnh sát đã xác nhận hơn 2 triệu địa chỉ IP tại 233 quốc gia là nạn nhân của mã độc Andromeda và ngăn chặn thành công các vụ phát tán mã độc này trong vòng 48 giờ từ khi triển khai chiến dịch nói trên ngày 29-11 vừa qua. Các mã độc Andromeda bị phát hiện sau khi giới chức Đức giành quyền kiểm soát mạng lưới Internet, nhờ vậy thông tin được gửi đi từ những máy tính nhiễm mã độc sẽ được chuyển hướng sang các hệ thống máy chủ an toàn và được theo dõi chi tiết dưới sự kiểm soát của các điều tra viên. 

Người phát ngôn Europol Jan Op Gen Oorth (Gian Óp Ghen Ót) nhấn mạnh chiến dịch nói trên thành công bởi ngăn chặn được nhiều vụ máy tính nhiễm mã độc Andromeda và cũng bởi đây là một trong những mã độc “cổ nhất” từng được sử dụng trong nhiều năm qua để phát tán các loại virus máy tính mới.