Xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở còn nhiều khó khăn

(NTO) Thiết chế văn hóa - thể thao (VH-TT) là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng các thiết chế VH-TT từ tỉnh xuống cơ sở. Tuy nhiên nhìn nhận từ thực tế cho thấy, bên cạnh một số trung tâm VH-TT đã phát huy vai trò, hiệu quả là nơi tổ chức sinh hoạt, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân thì cũng không ít các thiết chế VH-TT ở xã, thôn bị xuống cấp, thiếu đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua Trung tâm VH-TT đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ thiết chế VH-TT ở cơ sở. Hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức các hoạt động VH-TT đạt hiệu quả. Qua đó đã phục vụ đắc lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, qua con số thống kê cho thấy, tỉnh ta có 65 xã, phường, thị trấn, trong đó có 18 xã đã được đầu tư xây dựng Trung tâm VH-TT; 47 xã sử dụng hội trường UBND để làm Trung tâm VH-TT gắn với chức năng là Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các hoạt động. Hiện có 12 thôn, khu phố/402 thôn, khu phố có nhà VH-TT. Riêng 390 thôn, khu phố còn lại sử dụng Nhà sinh hoạt cộng đồng, trụ sở Ban Quản lý, tận dụng đình, chùa và nhà dân hoặc sử dụng chung hội trường với khu phố liền kề để sinh hoạt. Do quỹ đất xây dựng và nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên các nhà văn hóa xây dựng diện tích với quy mô nhỏ (chưa đáp ứng theo Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8-3-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hầu hết được xây dựng khoảng 12 năm trước nên trang thiết bị phục vụ cho hoạt động đa số đều xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng chưa hiệu quả, chưa đa dạng và phong phú nội dung hoạt động nên chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều thiết chế VH-TT chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng, gây tốn kém, lãng phí…

Không chỉ cơ sở vật chất thiết chế VH-TT nhiều nơi xuống cấp mà công tác quản lý của cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, hầu hết đều không được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở chủ yếu là theo kinh nghiệm, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Do vậy kiến thức, việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động của các thiết chế VH-TT chưa kịp thời, dẫn đến công tác tham mưu và triển khai các nội dung hoạt động tại nhà văn hóa còn nghèo nàn, thiếu thường xuyên và ít có sự đổi mới. Thực tế cho thấy việc xây dựng và vận hành các thiết chế VH-TT tại một số địa phương chỉ đáp ứng được phần “vỏ”. Nội dung hoạt động và công tác quản lý, vận hành vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Thể hiện qua tình trạng nhiều nhà văn hóa ở cơ sở đang hoạt động đơn điệu, nghèo nàn. Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng trên là do nguồn kinh phí hoạt động còn thấp so với tình hình thực tế, nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Hầu hết Trung tâm VH-TT xã chưa hoàn thiện do thiếu nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tùy thuộc vào tình hình hoạt động, điều kiện, khả năng của ngân sách địa phương, trung bình mỗi năm chi ngân sách cho hoạt động VH-TT khoảng 8 triệu đồng/năm. Riêng kinh phí tổ chức các hoạt động nhà văn hóa tại thôn, khu phố chưa được phân bổ, chủ yếu là sự vận động đóng góp của nhân dân địa phương.

Đồng chí Châu Thanh Hải cho biết thêm: Xuất phát từ thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3027/KH-UBND, ngày 2-7-2017 về phát huy các nguồn lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hoàn thiện thiết chế văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm VH-TT xã, nhà VH-TT thôn, trước hết các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, dành quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện các thiết chế VH-TT cơ sở; nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thường xuyên; đổi mới phương thức hoạt động phù hợp điều kiện thực tế để thu hút đông đảo nhân dân tham gia, từng bước nâng cao mức hưởng thụ về đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.