Thanh niên Thuận Bắc đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế

(NTO) Những năm qua, ngoài tham gia các phong trào xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) huyện Thuận Bắc còn thực hiện các phong trào lập thân, lập nghiệp. Nhờ đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của những thanh niên làm chủ hộ gia đình được cải thiện.

 
Thanh niên Thuận Bắc đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế.

Để tạo điều kiện cho ĐV-TN lập thân, lập nghiệp, các tổ chức cơ sở Đoàn đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm ăn như tổ vần đổi công, góp vốn xoay vòng, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo đen, trồng lúa nước… Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân các nguồn vốn vay cho các ĐV-TN đang có nhu cầu vay vốn, với tổng dư nợ hơn 25 tỷ đồng. Nhiều ĐV-TN vay vốn làm ăn, đến nay đời sống dần được cải thiện. Điển hình như anh Phạm Ngọc Vạn, thôn Giác Lan (xã Công Hải), đã mạnh dạn vay vốn và vay thêm người thân hơn 60 triệu đồng, đầu tư mở dịch vụ Internet, sửa chữa, lắp ráp máy tính. Nhờ chịu khó làm ăn nên anh đã tạo dựng thương hiệu cho bản thân, việc kinh doanh ngày càng phát triển, kinh tế ổn định. Anh Katơr Huynh, thôn Bà Râu 2 (xã Lợi Hải) chia sẻ: Sau khi lập gia đình, tôi rất vui mừng khi được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi sinh sản, số dư còn lại tôi làm chuồng trại. Đến nay, bò của tôi đang phát triển rất tốt, đồng thời tôi đang canh tác 3 sào lúa, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Để giải quyết việc làm cho ĐV-TN, Huyện đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, ngày hội việc làm tại địa phương. Cụ thể, đã phối hợp tổ chức 15 buổi tư vấn việc làm cho gần 5.000 ĐV-TN tại 6 xã, giới thiệu và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 ĐV-TN. Nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, Huyện đoàn đã phối hợp tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho hơn 3.000 ĐV-TN; tổ chức các buổi đối thoại giữa lãnh đạo huyện và ĐV-TN về tư vấn XKLĐ để giải đáp những vướng mắc cũng như các chính sách hỗ trợ cho người có nhu cầu. Qua các buổi tư vấn, nhận thức về XKLĐ trong ĐV-TN được nâng cao, đã có 14 thanh niên địa phương tham gia XKLĐ tại thị trường Ả-rập Xê-út (12 người), Nhật Bản (2 người). Nhiều người sau khi đi XKLĐ trở về đã hoàn lại vốn vay, đầu tư sản xuất. Anh Pinăng Sinh (thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng) sau 5 năm đi xuất khẩu tại Malaysia về đã trả hết vốn vay, hỗ trợ gia đình xây nhà, đầu tư sản xuất lúa, đời sống gia đình anh ổn định.

Bên cạnh đó, nhằm năng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất cho ĐV-TN, trong năm, Huyện đoàn còn tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và giới thiệu mô hình kinh tế có hiệu quả cho 60 ĐV-TN trên địa bàn huyện. Anh Đoàn Hữu Hoan, Bí thư Huyện đoàn Thuận Bắc cho biết: Để nâng cao nhận thức cho ĐV-TN trong việc lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ĐV-TN mạnh dạn vay vốn làm ăn, định hướng cho ĐV-TN tham gia XKLĐ, chú trọng công tác đào tạo nghề nông thôn phù hợp với yêu cầu địa phương.