Nâng cao năng lực cho y tế tuyến tỉnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

(NTO) Nhiều bạn đọc trong tỉnh hỏi: Thời gian qua, các cơ sở y tế, nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư cả về nhân lực, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều người dân đi khám, chữa bệnh vượt tuyến ở các bệnh viện tuyến trên, đồng chí có ý kiến gì về vấn đề này?

Đồng chí Lê Minh Định
Giám đốc Sở Y tế

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong những năm gần đây, thông qua Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến Trung ương: Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi đồng II TP. Hồ Chí Minh, Chấn thương-Chỉnh hình, Thống Nhất, Răng Hàm Mặt Trung ương 2, 115, Nhân dân Gia Định và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật giúp cho chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh không ngừng được nâng lên. Hiện bệnh viện đã thực hiện được hơn 250 kỹ thuật tuyến Trung ương. Điển hình như trong lĩnh vực cấp cứu, bệnh viện có thể thực hiện được kỹ thuật đặt ống thông tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm, lọc máu liên tục; lĩnh vực tim mạch thực hiện được kỹ thuật can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn; lĩnh vực nhi khoa có kỹ thuật nuôi trẻ nhẹ cân non tháng, hồi sức nhi-sơ sinh; sản khoa thực hiện được kỹ thuật soi cổ tử cung, nội soi cắt tử cung toàn phần, đẻ không đau; chấn thương-chỉnh hình có kỹ thuật mổ u màng não; phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, cột sống thắt lưng; thay khớp háng…; hoặc trong lĩnh vực thận-tiết niệu có kỹ thuật tán sỏi nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi… Ngoài ra, bệnh viện cũng đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám và điều trị; tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân đã được đổi mới và có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ chuyển viện giảm dần qua các năm.

Tuy nhiên, tình trạng người dân đi khám, chữa bệnh tuyến trên vẫn còn rất nhiều; theo tôi, có nhiều nguyên nhân: Tâm lý của người dân coi trọng chất lượng chuyên môn, kỹ thuật của tuyến trên, mặc dù nhiều kỹ thuật chuyên môn đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thành công nhưng người bệnh vẫn chưa yên tâm chữa trị, vấn đề này liên quan đến thương hiệu mà bệnh viện đang tập trung xây dựng; đời sống, thu nhập của người dân ngày càng cao; điều kiện giao thông, đi lại ngày càng thuận lợi, thông tin liên lạc ngày càng phát triển…, đã giúp cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn, tìm đến dịch vụ mà họ cho là tốt nhất để thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của chính mình.

Mặc khác, đối với các căn bệnh mà bệnh viện địa phương có khả năng điều trị khỏi nhưng chưa được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng, còn ít người biết.

Một số bạn đọc khác có thắc mắc: Để đáp ứng yêu cầu, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, cũng như giải quyết tình trạng khám bệnh vượt tuyến, ngành Y tế có giải pháp gì?

Đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, tỉnh đang huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y tế, đề ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa sâu nhằm nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn lực để thực hiện Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện hạng I vào năm 2020. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án: Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, tiếp nhận các kỹ thuật cao, ứng dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành Y tế cũng tăng cường công tác truyền thông; giới thiệu những kỹ thuật mới, hiện đại mà bệnh viện thực hiện được để người dân biết. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức ngành Y tế; thực hiện đồng bộ các tiêu chí cải tiến chất lượng bệnh viện để tạo niềm tin cho người dân.