Thế giới trong tuần

1. Trong tuần, thông tin nổi bật đó là vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định tên lửa chưa hoàn thiện kỹ thuật. Ngày 29-11, Triều Tiên đã tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng và tấn công lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tên lửa mới của Triều Tiên vẫn thiếu công nghệ cần thiết để quay trở lại khí quyển. 

Theo tờ Washington Post (Mỹ), tên lửa tầm xa mà Triều Tiên mới phóng đã bay cao hơn 10 lần so với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Trên lý thuyết, điều này đồng nghĩa thủ đô Washington của Mỹ nằm trong tầm bắn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng sự cải thiện trong tầm bắn có thể là do tên lửa được trang bị đầu đạn giả với trọng lượng nhẹ. Tên lửa Triều Tiên có thể sẽ không đạt được tầm bắn như vậy nếu mang theo đầu đạn nặng hơn. Tuy Triều Tiên không nói rõ về những tiến bộ kỹ thuật mà nước này đạt được, song giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hoàn thiện được kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, một yếu tố then chốt trong chương trình phát triển ICBM. 

Giáo sư Kim Dong-yup của Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng vụ thử nêu trên là một nỗ lực kiểm tra và xác nhận các công nghệ tiên tiến của Triều Tiên. Tuy nhiên, theo vị giáo sư này, đây cũng có thể là một bước kiểm tra toàn bộ trước khi Bình Nhưỡng tiến hành kế hoạch thả một quả bom nhiệt hạch (bom H) xuống Thái Bình Dương, như những gì Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho từng đề cập hồi tháng 9 vừa qua. 

Trong khi đó, giáo sư Yang Mu-jin tại Đại học Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định, mặc dù Bình Nhưỡng chưa hoàn thiện được công nghệ đưa tên lửa trở lại khí quyển, song nước này đã đạt được mục tiêu về tầm bắn tên lửa. Dựa trên quỹ đạo và quãng đường, tên lửa này dường như có tầm bắn khoảng từ 10.000 - 11.000km, đủ để vươn tới lãnh thổ đất liền Mỹ. 

2. Thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là UNDP đánh giá cao cuộc chiến chống HIV/AIDS của Zimbabwe. Ngày 1-12, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hoan nghênh những thành quả nổi bật mà Zimbabwe đã đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS.

Theo UNDP, nếu như năm 2005, chỉ có khoảng 12.000 người bị nhiễm HIV được tiếp cận với antiretroviral (ARV) - loại thuốc kháng HIV, để kéo dài cuộc sống, đến nay con số này đã lên tới 1 triệu người. Tiến bộ quan trọng này là kết quả của những nỗ lực mà chính phủ nước này với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế trong việc tăng cường hỗ trợ những người nhiễm HIV. Ông Bishow Parajuli, Điều phối viên và là đại diện của UNDP tại Zimbabwe, nhận định quốc gia miền Nam châu Phi này đã có bước tiến dài trong việc nâng số người được tiếp cận điều trị ARV. Cột mốc mới này đồng nghĩa 1 triệu bệnh nhân nhiễm HIV giờ đây có cơ hội sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. 

Zimbabwe là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất căn bệnh thế kỷ này. Theo thống kê, đến cuối năm 2016, khoảng 1,3 triệu ca nhiễm HIV được ghi nhận tại quốc gia này. Mặc dù HIV vẫn là thách thức y tế lớn tại Zimbabwe, song việc bệnh nhân HIV ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với thuốc ARV đã giúp ngăn chặn hơn 49.000 ca tử vong chỉ trong năm ngoái và 393.000 ca tử vong kể từ năm 2006. Năm 2015, tuổi thọ trung bình tại Zimbabwe đã đạt 61, tăng hơn 20 tuổi so với năm 2003.

3. OPEC nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến hết năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn một đợt giá dầu “tụt dốc” thảm hại trong tương lai. 

Thỏa thuận về nguyên tắc nói trên đã đạt được ngày 30-11 sau nhiều giờ thảo luận tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo). Một phái đoàn tham dự cuộc họp này cho biết OPEC sẽ tiếp tục thảo luận liệu có nên chấp nhận mức sản lượng hiện nay của Libya hay không. Nước này hiện đang được miễn áp dụng thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình trạng rối ren trong nước. 

Nhằm ứng phó tình trạng dư thừa dầu toàn cầu và giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, OPEC và 11 nước ngoài OPEC đã ký thỏa thuận vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1-2017. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 31-3-2018. Thỏa thuận đã đem lại những kết quả nhất định, đẩy giá dầu lên mức cao trong gần 2 năm qua và giảm lượng dầu tồn kho toàn cầu.