Khai thác giá trị các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ

(NTO) Câu chuyện giá nho mang thương hiệu Ba Mọi cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường cùng loại đã minh chứng tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT) để nâng cao giá trị sản phẩm đặc thù. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung làm tốt công tác bảo hộ SHTT dưới nhiều hình thức như Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể, đạt được những kết quả nhất định, qua đó nâng tầm thương hiệu một số mặt hàng nông sản của tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị các sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền SHTT để phát triển thành sản phẩm thế mạnh của tỉnh lại chưa đạt được như mong đợi, đặt ra nhiệm vụ cho ngành chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Tỉnh ta có thế mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù như nho, táo, măng tây xanh, tỏi, dê, cừu… Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, từ năm 2011 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách ưu tiên tập trung hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các đặc sản địa phương. Động thái tích cực này đã khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký quyền bảo hộ SHTT các mặt hàng nông, thủy sản, góp phần tạo được uy tín, danh tiếng cho đơn vị. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 mặt hàng nông sản được bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, 2 Chỉ dẫn địa lý (nho và thịt cừu); 6 Nhãn hiệu chứng nhận (nước mắm Cà Ná, dê, măng tây xanh, tôm giống, du lịch, trái cây Ninh Sơn) và 10 nhãn hiệu tập thể (Rau an toàn An Hải, Rau an toàn Văn Hải, măng khô Bác Ái, tỏi Phan Rang, táo Ninh Thuận, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc, heo đen Bác Ái, nho VietGAP Văn Hải, heo đen và gà Thuận Bắc).

 
Sau khi được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, giá trị sản phẩm nho tăng cao.

Thực tiễn công tác phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ quyền SHTT thời gian qua thu được nhiều kết quả, những mô hình quản lý Chỉ dẫn địa lý nho, Nhãn hiệu tập thể táo… vận hành thông suốt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã thực hiện quy định về dán nhãn hiệu, giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc, nhận biết sản phẩm chất lượng. Từ việc làm tốt công tác giám sát hoạt động sản xuất theo quy trình VietGAP, thương hiệu nho Ninh Thuận khẳng định được vị thế trên thị trường, có nhiều người tin dùng, từ đó thúc đẩy nghề trồng nho phát triển, diện tích không ngừng tăng, hiện đạt hơn 1.200 ha; diện tích táo, măng tây xanh cũng nhanh chóng được mở rộng, thu hút nhiều lao động làm việc ở các nông trang tập trung.

Tuy vậy, nhìn chung công tác phát triển các sản phẩm đặc thù thời gian qua chỉ mới tập trung vào việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, còn việc quản lý, khai thác giá trị tài sản trí tuệ vẫn còn bỏ ngõ. Nguyên nhân của hạn chế được xác định do hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đặc thù còn thiếu tính chuyên nghiệp và chưa được quan tâm đúng mức. Việc tìm kiếm thị trường, xây dựng các kênh hàng tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên sản phẩm thường xuyên bị ép giá, dẫn đến thu nhập của hộ sản xuất không tương xứng với công sức bỏ ra. Trong khi đó, các đơn vị thu mua đặc sản địa phương không quan tâm nhiều đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu, in nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm, điều này làm giảm khả năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được bảo hộ quyền SHTT. Rau an toàn An Hải được cấp Nhãn hiệu chứng nhận cách đây 5 năm, thế nhưng đến nay hầu hết sản phẩm xuất ra thị trường ở dạng cân ký, không có nhãn mác, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sản phẩm chất lượng cao, đâu là sản phẩm thông thường.

Phải mất rất nhiều công sức từ xây dựng bản đồ quỹ đất sản xuất đến xây dựng bộ dữ liệu quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm mới được bảo hộ, thế nhưng việc khai thác giá trị Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận chưa tương xứng là sự trăn trở lớn. Theo đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, để khai thác giá trị các sản phảm đặc thù sau bảo hộ cần phải xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý, tạo vùng sản xuất hàng hóa gắn với thương hiệu. Đẩy mạnh hoạt động liên kết, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, đẩy mạnh công tác quản lý nhãn hiệu hàng hóa. Cơ quan chức năng cần làm tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy giá trị các sản phẩm đã được bảo hộ.