Mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” giúp Nhân dân tham gia cải cách tư pháp

(NTO) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định mục tiêu “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”… Xuất phát từ đặc điểm và tình hình của hội viên và các cấp Hội, Ban Thường trực Hội Luật gia tỉnh đã xây dựng đề án tổ chức mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật”.

Theo đó, đề án gồm 3 nội dung chính là tìm hiểu, giải đáp pháp luật nhằm phục vụ cho mọi đối tượng có nhu cầu nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý để bảo đảm đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ, hướng dẫn cách ứng xử theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp; trao đổi, thông tin về pháp luật nhằm giúp cho các hội viên cập nhật kết quả hoạt động của Hội tại địa phương. Nội dung đề án bao hàm hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân tìm hiểu; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý và hoạt động có tính chất trao đổi, thảo luận, mạn đàm về phương pháp, kỹ năng để hội viên Hội Luật gia trực tiếp tại điểm cà phê giao lưu pháp luật nâng cao hiệu quả hoạt động; giúp cho tổ chức cơ sở Hội có điều kiện linh hoạt hơn để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. Điểm đầu tiên được chọn là cơ sở cà phê Suối Nguồn (số 283A, đường Ngô Gia Tự, phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Các Chi hội Luật gia cơ sở thuộc Hội Luật gia tỉnh; các huyện, thành hội (trừ Ninh Sơn và Bác Ái) được phân công luân phiên trực từ 8-10 giờ sáng Chủ nhật hàng tuần để thực hiện các hoạt động mô hình điểm cà phê giao lưu pháp luật. Từ tháng 6-2016, được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh, mô hình điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” được triển khai.

Điểm “Cà phê giao lưu pháp luật” đã tạo không gian gần gũi trong quá trình thông tin về vụ việc cũng như quá trình cung cấp những quy định của pháp luật để vận dụng ứng xử là kinh nghiệm đáng ghi nhận của hoạt động này. Người có nhu cầu thấy dễ tiếp xúc hơn; người thực hiện việc hướng dẫn cũng có thời gian để tìm hiểu sâu kỹ hơn, từ đó định hướng vụ việc theo hướng “đạt lý thấu tình”. Nhiều vụ việc đã được người có nhu cầu cung cấp, thông tin và bày tỏ không chỉ là vấn đề đơn thuần pháp lý của vụ việc mà còn nhiều mối quan hệ về kinh tế, văn hóa-xã hội. Trong đó, vấn đề liên quan đến tư cách, đạo đức, phẩm chất của cán bộ khi thi hành công vụ là nội dung rất đáng ghi nhận để góp phần tham gia chỉnh đốn sự trung thành, liêm khiết của cán bộ, công chức, viên chức…

Tuy đã đạt được những kết quả thiết thực ban đầu nhưng sự lan tỏa về hiệu quả hoạt động của mô hình này vẫn còn những hạn chế nhất định. Ban Thường trực Hội Luật gia tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương pháp tăng cường các dịch vụ pháp lý phục vụ Nhân dân thông qua mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả theo hướng phục vụ nhiều hơn, tốt hơn các nhu cầu về pháp lý của người dân.