Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

(NTO) Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, những năm qua, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn để nâng cao hiệu quả hoạt động được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh quan tâm đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực.

Mạng lưới TCTD ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, được giám sát chặt chẽ, tuân thủ các quy định về điều kiện mạng lưới hoạt động theo quy định của ngành Ngân hàng và được bố trí khắp các huyện, thành phố, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhân viên Agribank Chi nhánh Ninh Thuận hướng dẫn khách hàng đăng ký
và sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử qua Internet Banking của Agribank. Ảnh: MD

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 chi nhánh Ngân hàng thương mại nhà nước, 5 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và 3 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), với tổng số 27 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc; riêng NHCSXH có 65 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. So với cuối năm 2010, mạng lưới TCTD trên địa bàn tăng 10 chi nhánh và phòng giao dịch. Đồng chí Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, cho biết: Trong giai đoạn 2011-2016, để triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD có hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD triển khai thực hiện từng nội dung cụ thể và tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động để phân loại từng nhóm TCTD. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động các phòng giao dịch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tế hoạt động. Đối với hệ thống QTDND, Chi nhánh đã triển khai công tác cơ cấu lại và hướng dẫn từng đơn vị xây dựng phương án thực hiện từng năm; thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Bên cạnh đó, tập trung cho vay thành viên, hộ nghèo và mở rộng tín dụng đi đôi với việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng.

Đến nay, qua thực hiện cơ cấu lại, hầu hết các TCTD trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả cao từ chất lượng tài sản của từng đơn vị đến hoạt động tín dụng. Về hoạt động đầu tư, các chi nhánh Ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã tích cực mở rộng, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn tại địa phương; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng cấp trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Chỉ tính trong giai đoạn nêu trên, đến thời điểm cuối năm 2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 14.809 tỷ đồng, tăng 151,4% so với cuối năm 2011, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20,25%. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động hơn 8.881 tỷ đồng, tăng 119,3%, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,01%. Nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông lâm nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, các dự án công nghiệp, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế của địa phương. Điều cũng đáng nói là qua cơ cấu lại và hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu của các TCTD xuống dưới 3% so với tổng dư nợ). Riêng đối với hệ thống QTDND trên địa bàn, đến cuối năm 2016, các Quỹ đã hoàn thành các nội dung theo phương án cơ cấu lại, chất lượng hoạt động tăng lên đáng kể so với trước kia. Theo đánh giá của lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như việc huy động vốn chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế địa phương. Tỷ lệ nợ xấu tuy có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng lại tăng lên về số tuyệt đối; tỷ trọng nợ xấu nhóm 4, nhóm 5 có chiều hướng gia tăng. Chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị điều hành của một số chi nhánh NHTM còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp làm việc, tác phong giao dịch để đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường...

Để khắc phục những hạn chế đã nêu, đồng chí Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, cho biết thêm: Với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại các TCTD từ nay đến năm 2020, toàn ngành tiếp tục thực hiện một cách toàn diện gắn với xử lý căn bản, triệt để nợ xấu bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng và giữ vững sự ổn định, nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, cải thiện thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo 100% các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả. Đến cuối năm 2020, phấn đấu xử lý cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn dưới 3% so với tổng dư nợ. Theo đó, một trong những giải pháp trọng tâm của ngành, đó là triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp nhất đối với các khách hàng có quy mô tín dụng lớn; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng...