Động lực ổn định sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Sơn

(NTO) Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, những năm qua huyện Ninh Sơn đã triển khai sâu rộng, đồng bộ các chính sách nói trên đến từng hộ dân, qua đó tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi của huyện.

Ma Nới là một trong những địa phương thực hiện khá hiệu quả Quyết định số 755/QĐ-TTg. Đây là xã đặc biệt khó khăn, có 6 thôn với hơn 98% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 61,76%. Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS thời gian qua đã góp phần đáng kể vào thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo theo đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã. Tính đến cuối năm 2016, địa phương có 343 hộ nghèo được hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt, với tổng kinh phí gần 446 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ 470 triệu đồng cho 94 hộ nghèo để mua bò, dê và các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con. Đối với hỗ trợ đất ở, xã đã tổ chức di dời 40 hộ dân ở xóm Kiếu về thôn Hà Dài và từ làng Tà Nôi cũ về thôn Tà Nôi. Riêng 25 hộ không có nhu cầu lắp đặt đồng hồ nước và không thể kéo tuyến ống nước đến được, địa phương đã hỗ trợ 25 bồn chứa nước, với kinh phí 31 triệu đồng… Nhờ vậy, các hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo đã có nơi ở, ổn định cuộc sống, giải quyết cơ bản tình trạng du canh, du cư trước đây.

Nhờ “hưởng lợi” từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và mạnh dạn vay vốn NHCSXH
để đầu tư cho chăn nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình anh Ta Pố Long thôn Gia Rót (xã Ma Nới, Ninh Sơn)
đã có đàn bò 4 con.

Anh Ta Pố Long, người dân thôn Gia Rót, xã Ma Nới phấn khởi cho biết: Là hộ nghèo của thôn, gia đình tôi đã được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thêm 15 triệu đồng, với lãi suất thấp để mua 1 con bò cái sinh sản. Từ ngày có bò, gia đình trồng thêm cỏ để bổ sung thức ăn, chăm sóc kỹ theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, nên từ 1 con ban đầu đã tạo đàn được thêm 3 con. Gia đình tôi mừng lắm, nhờ có chính sách này và được lãnh đạo địa phương quan tâm nên gia đình mới có cơ hội thoát nghèo.

Theo lãnh đạo huyện Ninh Sơn cho biết, thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg, toàn huyện có 1.135 hộ dân được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 4,43 tỷ đồng. Trong đó, Lâm Sơn 252 hộ, Lương Sơn 153 hộ, Quảng Sơn 120 hộ, Mỹ Sơn 65 hộ, Nhơn Sơn 116 hộ, Hòa Sơn 14 hộ và xã Ma Nới nhiều nhất với 415 hộ. Hầu hết các hạng mục hỗ trợ đều được thực hiện đạt kết quả tốt, mang lại lợi ích, tác động và có sức lan tỏa trong đồng bào DTTS và hộ nghèo, tạo thêm động lực giúp các hộ dân có điều kiện thoát nghèo bền vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như nhiều tuyến ống nước chính nằm cách xa hộ dân nên kinh phí mà bà con phải bù vào sau khi được Nhà nước hỗ trợ còn khá cao. Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân còn ít, chủ yếu tập trung giải quyết đất sản xuất, nhưng một số địa phương không còn quỹ đất để cấp cho hộ nghèo nên phải chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề. Việc tổ chức thực hiện vay vốn còn gặp khó khăn, do hộ nghèo đã vay từ nhiều chương trình và có số dư nợ tương đối lớn, có hộ không đủ điều kiện vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, dẫn đến hạn chế đối tượng được vay vốn. Mặt khác, một bộ phận đồng bào DTTS còn tư tưởng chỉ muốn nhận vốn hỗ trợ, không muốn vay vốn từ ngân hàng; phần lớn lao động trong các hộ nghèo trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức làm ăn... nên chưa cải thiện nhiều về thu nhập so với mặt bằng chung của địa phương.

Thực tế cho thấy, qua triển khai, thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay trên địa bàn huyện đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất và thiếu nước sinh hoạt; diện tích canh tác được mở rộng, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống vùng đồng bào DTTS và hộ nghèo. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là ý thức vươn lên của người dân, khắc phục những hạn chế đã nêu để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đây mới thực sự là động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.