Các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 14

(NTO) Ninh Hải: Ngày 18-11, cấp ủy và chính quyền huyện Ninh Hải huy động cả hệ thống chính trị tập trung chủ động ứng phó với cơn bão số 14 có khả năng đổ bộ vào các xã ven biển trên địa bàn huyện. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp huy động mọi nguồn lực chủ động ứng phó với với cơn bão số 14 nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ông Trần Hữu Nhân, Phó Trưởng Ban PCTT&TKCN huyện Ninh Hải cho biết toàn huyện có 818 tàu thuyền với trên 4.700 lao động biển. Tính đến chiều ngày 18-11, tất cả tàu thuyền đã vào neo đậu tránh bão an toàn tại các cảng cá trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tại cảng cá Ninh Chử đã có 515 tàu thuyền của ngư dân Khánh Hải 356 chiếc, Tri Hải 104 chiếc, tàu thuyền ngoài tỉnh 11 chiếc. Tại vịnh Vĩnh Hy có 157 thuyền và 16 tàu du lịch, 14 ca nô đã vào bến neo đậu tránh bão. Tại cảng cá Mỹ Tân có 469 thuyền neo đậu được chính quyền địa phương và cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải tuyên truyền vận động ngư dân đưa thuyền rời bến về neo đậu tại cảnh Ninh Chử. Thị trấn Khánh Hải và xã Thanh Hải có 16 thuyền với 167 lao động đánh bắt xa bờ đã vào neo đậu tránh bão tại tỉnh Kiên Giang. Toàn huyện có 90 lồng bè nuôi hải sản tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải. Chính quyền địa phương vận động ngư dân neo giằng lồng bè, di dời con người vào nơi trú ẩn tránh bão...

 
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải tuyên tuyền vận động ngư dân chủ động ứng phó cơn bão 14. Ảnh: S.N

 

 Ngư dân xã Thanh Hải thu dọn ngư cụ đưa đến nơi cất giữ an toàn. Ảnh: S.N

Đến với các địa bàn dân cư thuộc huyện Ninh Hải, chúng tôi chứng kiến cấp ủy và chính quyền các cấp phối hợp các ngành chức năng tích cực tuyên tuyền vận động nhân dân chủ động ứng phó với cơn bão số 14. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở liên tục thông báo diễn biến cơn bão số 14 và kêu gọi nhân dân chủ động giằng chống nhà cửa, di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Bà con nông dân khẩn trương thu hoạch, vận chuyển nông sản đến nơi cao ráo nhằm tránh thiệt hại do mưa bão gây ra. Ngư dân xã Thanh Hải thu dọn ngư cụ đưa tàu thuyền lên cảng Ninh Chử trú bão. Anh Trịnh Văn Phi ở thôn Mỹ Tân 2 chia sẻ: Được chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng tuyên truyền cơn bão số 14 có khả năng đổ bộ vào các xã ven biển huyện Ninh Hải. Gia đình tôi và bà con ngư dân khẩn trương thu dọn ngư cụ đưa tàu thuyền lên cảnh Ninh Chử, chủ động bảo vệ con người, tài sản trước tình hình cơn bão số 14 đang vô gần bờ.

 
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn Khánh Hải chuẩn bị con người và phương tiện
sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: S.N
 
 
Ngư dân huyện Ninh Hải khẩn trường đưa tàu thuyền vào tránh cơn bão số 14 tại cảng Ninh Chử. Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Huyện Ninh Hải vận động nhân dân giằng chống nhà ở và có phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời gần 3.000 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn trước 21 giờ ngày 18-11-2017. Toàn huyện huy động con người và phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão lũ. Đồng thời dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống cứu trợ người dân vùng bão lũ. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã tổ chức trực 24/24, kịp thời ứng phó với diễn biến mưa bão. Với phương châm “4 tại chỗ”, huyện Ninh Hải chủ động ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 14 gây ra.

► Ninh Sơn: Theo thông báo từ huyện Ninh Sơn, sau khi nhận công điện khẩn từ UBND tỉnh về cơn bão số 14, chính quyền địa phương đã bắt tay ngay vào công tác ứng phó với cơn bão. Huyện lập tức cử các đoàn công tác tới tất cả các xã, thị trấn và địa điểm xung yếu thường xuyên xảy ra lũ quét và ngập lụt để giám sát, kiểm tra và đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

 
 
Lãnh đạo huyện làm việc với UBND xã Ma Nới. Ảnh: Lê Thi

Theo ông Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Trước diễn biến khá bất ngờ và tốc độ di chuyển nhanh của cơn bão, huyện đã yêu cầu các địa phương thường xuyên phát loa thông báo về diễn biến bão đến người dân nắm rõ. Đồng thời, “gõ cửa” từng nhà để yêu cầu bà con chằng chống nhà cửa, di dời tài sản gia đình lên các địa điểm an toàn cũng như cam kết thực hiện lệnh di dời của địa phương nhằm tránh thiệt hại thấp nhất về người và tài sản. Đặc biệt, tại cơn bão số 12, địa bàn xã Ma Nới xuất hiện nhiều trận lốc xoáy, cuốn đi nốc nhà một số cơ quan, trường học và nhà dân chính vì thế, lãnh đạo huyện đã yêu cầu địa phương giúp đỡ bà con chằng chống nhà, chặt tỉa cây cối, để người dân yên tâm ứng phó với cơn bão số 14. Đến 15 giờ, ngày 18-11, mọi công tác về chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 14 đã cơ bản hoàn thành.

Toàn huyện đã huy động trên 402 cán bộ, công chức, viên chức, dân quân, công an, quân đội, thanh niên xung kích tham gia công tác cứu trợ, cứu nạn và khắc phục hậu quả sau bão; các công trình đập, hồ chứa nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chủ động xã lũ kịp thời tránh gây ngập úng cho Nhân dân vùng thượng lưu và đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Song song đó, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện, xã, thị trấn tổ chức trực 24/24 nắm bắt kịp thời diễn biến cơn bão để đưa ra phương án giải quyết kịp thời.

► Ninh Phước: Để chủ động ứng phó với cơn bão số 14 kịp thời, hiệu quả, hiện nay Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Phước tổ chức phân công thành viên trực 24/24, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư và lực lượng để kịp thời sơ tán, cứu hộ khi tình hình bão diễn biến phức tạp. Ông Đàng Năng Tom, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Sau khi có công điện của UBND tỉnh về công tác ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới, ngay trong chiều ngày 18-11, huyện khẩn trương thông báo với các địa phương nhanh chóng huy động phương tiện, trang thiết bị cần thiết để chuẩn bị phương án di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản khi bão lũ xảy ra; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện cũng trang bị một số dụng cụ như: áo phao, xuồng nhôm, dây thừng… để phục vụ cho đội cứu nạn, cứu hộ…

 
Lực lượng huyện Ninh Phước dùng bao cát đắp các bờ kè dọc theo Sông Lu để tránh tình trạng sạt lỡ khu có mưa lũ xảy ra.
Ảnh: Hồng Lâm

Đối với các hộ dân sinh sống khu vực hạ du các hồ Tà Ranh, Bầu Zôn, Lanh Ra, huyện phối hợp với các xã bố trí 30 thành viên lực lượng xung kích thường xuyên túc trực, chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn khi bão lũ xảy ra; cắm biển cảnh báo ở những khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lỡ… Đồng thời, bố trí xe cơ giới, máy cày phục vụ công tác ứng phó kịp thời.

► Thuận Bắc: Để chủ động ứng phó diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, trong ngày 18-11, huyện Thuận Bắc đã khẩn trương thông báo với các địa phương triển khai nhanh phương án phòng chống, huy động phương tiên, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó, cứu hộ khi bão lũ xảy ra. 

 
Lực lượng dân quân, công an xã Công Hải (Thuận Bắc) vận động nhân dân thôn Suối Giếng di dời ra vùng có nguy cơ bị ngập lụt.
Ảnh: TM

Theo đó, UBND huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo các địa phương nằm trong khu vực trọng điểm, quan trọng thường bị ngập như: Thôn Ba Tháp, Gò Sạn (Bắc Phong); thôn Hiệp Thành, thôn Hiệp Kiết, thôn Suối Giếng và thôn Xóm Đen (Công Hải); thôn Bỉnh Nghĩa (Bắc Sơn) bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ở các vùng bị ngập lụt và sơ tán dân đến nơi an toàn. Đối với tuyến biển, giao phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng kiểm tra bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá trên biển; giao cho UBND xã Công Hải tổ chức di dời dân ở những vùng xung yếu khi có bão, nước dâng, sóng thần; bố trí lực lượng 25 người xuống địa bàn trực 24/24 theo phương châm 4 tại chỗ trong thời gian xảy ra bão. Đối với công tác vận hành hồ chứa, yêu cầu Trạm Thủy nông Thuận Bắc chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng chống lụt bão tại các hồ chứa nước trên địa bàn; các xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong và Bắc Sơn chuẩn bị phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia xử lý, khắc phục sự cố và di dời dân vùng hạ du các hồ chứa nước. Riêng vùng bị ngập lụt, bố trí khoảng 190 người của các lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, công an, quân sự, lực lượng tự vệ, đội xung kích Huyện đoàn, lực lượng các địa phương tổ chức trực 24/24 tại đơn vị để sẵn sàng đi ứng cứu, di dời dân khi xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.

► Thuận Nam: Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện Thuận Nam chủ động tập trung, xây dựng nhiều phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 14.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Trưởng Ban quản lý Cảng cá Cà Ná, cho biết: Nhận được tin báo về cơn bão số 14 sắp đổ bộ vào tỉnh, vì vậy ngay từ trong ngày 18-11, Ban quản lý Cảng cá đã thông báo kêu gọi, nghiêm cấm tàu thuyền tại đại phương ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kề từ sáng nay; thông báo kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn; tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn tránh va đập. Tính đến 17 giờ ngày 18-11, đã có 421/823 tàu thuyền hai xã Cà Ná, Phước Diêm và 246 tàu thuyền/537 lao động ngoài tỉnh neo đậu tại cảng. Còn lại 402 tàu thuyền của hai xã này đang đánh bắt ngoài khơi đã được liên hệ, tìm nơi trú bão an toàn. 

 
Ngư dân vùng biển Cà Ná chủ động thu gom lưới cụ, để ứng phó với bão. Ảnh: Phan Hiếu
 
 
Lãnh đạo huyện Thuận Nam kiểm tra công tác xếp tàu thuyền tại Cảng cá Cà Ná. Ảnh: Phan Hiếu

Theo đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mọi phương án ứng phó về bão đã được huyện chủ động huyện; trong đó kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản cần phải được di dời trước khi bão đổ bộ. Đối với những khu vực xung yếu, vùng trùng, nhà tạm bợ không đảm bảo an toàn có khả năng xảy ra đổ sập, ngập nước, thì Ban chỉ huy PCTT&TKCN chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời các hộ dân, ước tính khoảng 940 hộ/3.411 nhân khẩu sẽ được di dời đến các nhà dân kiên cố, các trụ sở cơ quan, trường học; đồng thời kêu gọi người chằng chống, gia cố lại nhà ở khi bão xuất hiện. 

 
Lực lượng Bộ đội Biên phòng thông báo cho các ngư dân về tình hình bão số 14. Ảnh: Phan Hiếu

“Riêng chợ Cà Ná UBND, xã cần thông báo cho chủ đầu tư chủ động chằng chống trong ngay hôm nay và dừng ngay hoạt động mua bán tại chợ để đảm bảo an toàn. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; huy động lực lượng xung kích và phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra”. - Đồng chí Lê Huyền, cho hay.