Ngành Tài nguyên và Môi trường góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan quản lý đa ngành, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên đất đai-một trong những động lực phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là trong thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp (DN).

Những năm qua, ngành TN&MT đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Các doanh nghiệp nộp hồ sơ tại bộ phận "một cửa" của Sở Tài nguyên và Môi trường.Ảnh: M.Dũng

“Tiếp cận đất đai” là một trong 10 chỉ số thành phần đánh giá PCI cấp tỉnh liên quan đến ngành TN&MT. Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, qua đánh giá của DN, chỉ số này luôn dẫn đầu bảng về xếp thứ hạng. Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Năm 2016, chỉ số tiếp cận đất đai tuy có giảm 0,35 điểm và giảm 4 bậc so với năm 2015, nhưng vẫn xếp ở thứ 18 so với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2016 của tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đánh giá chưa tích cực của một số DN đối với ngành, đầu tiên là Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014, theo đó có những thay đổi căn bản liên quan đến quyền của người sử dụng đất là DN. Đơn cử như về hình thức trao quyền sử dụng đất chủ yếu thông qua quyết định của Nhà nước cho thuê đất, hạn chế hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Do vậy, DN cho rằng quyền sử dụng của mình bị hạn chế, nhất là khi Nhà nước thu hồi đất. Thứ hai, một số DN sử dụng đất nông nghiệp không được chuyển mục đích sử dụng do theo quy hoạch thì không phù hợp với mục đích sử dụng đất của DN, nên không xin được giấy phép xây dựng tạm để xây dựng cơ sở kinh doanh, dẫn đến “cảm nhận” của các DN này là ngành gây khó!. Một trong những “tiêu chí” bị giảm điểm nữa là về đánh giá rủi ro do bị thu hồi đất. Thực tế tỉnh ta trong thời gian qua, có một số DN được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất nhưng vì các lý do khách quan và chủ quan từ phía DN là thiếu năng lực tài chính dẫn đến dự án bị chậm triển khai, chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai, đối với những trường hợp này, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ không được bồi thường, dẫn đến tâm lý “e ngại” từ phía các DN trên địa bàn tỉnh...

Trên cơ sở đánh giá của năm qua, nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2017, từ đầu năm đến nay, ngành TN&MT đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện cải thiện chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” như: Điều chỉnh các quy chế cho phù hợp với thực tế nhiệm vụ của ngành nhằm mang lại hiệu quả công việc, giúp cho người dân, DN được giải quyết các yêu cầu, kiến nghị một cách thấu đáo, đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai một cách thông thoáng và minh bạch; rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đối với DN; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng. Đề xuất giải pháp công khai hóa quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu, cụm công nghiệp, quỹ đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng. Tạo thuận lợi cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận đất đai. Rà soát và có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực TN&MT đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức và kiên quyết thu hồi đất đối với các DN được giao đất, cho thuê đất, nhưng có hành vi vi phạm các quy định của Luật Đất đai... Việc thực hiện đồng bộ những giải pháp nói trên đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Tính đến nay, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.172 tổ chức/2.648 vị trí đất/174.333,64 ha, đạt 100% diện tích cần phải cấp giấy; tiếp nhận 36.181 hồ sơ thực hiện các quyền của người sử dụng đất và đã giải quyết đạt 99,69%; giao đất, cho thuê đất đối với 51 tổ chức, với tổng diện tích 180,943 ha; tổ chức triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 86 dự án/1.036,54 tỷ đồng/5.856 hộ và 76 tổ chức/1.434,66 ha...

Đồng chí Bùi Anh Tuấn cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm, cùng với việc tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, ngành TN&MT tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý đất đai theo quy định pháp luật, nhất là kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các dự án đã giao đất nhưng không triển khai, chậm tiến độ. Tăng cường đối thoại trực tiếp với DN và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh...