Những tấm lòng của giáo viên dạy trẻ khuyết tật

(NTO) Hướng đến kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi đến thăm cô và trò các trường, trung tâm nuôi dạy học sinh (HS) khuyết tật trên địa bàn tỉnh để cảm nhận không khí học tập; tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì HS thân yêu của các thầy, cô giáo tận tâm với nghề.

Hơn 4 năm trong nghề dạy học cũng là từng ấy thời gian cô giáo Nguyễn Thị Xuân Dung, giáo viên (GV) phụ trách lớp Thỏ Trắng, Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) gắn bó với HS khuyết tật. Nhớ lại ngày đầu dạy dỗ những “trẻ” đặc biệt này, cô giáo Xuân Dung, chia sẻ: Dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, nhưng ngày mới bước vào giảng dạy thực tế, mình thật sự lo lắng và không biết phải bắt đầu từ đâu… Nhiều HS lớp mình phụ trách tuy đã lớn nhưng chưa biết tự đi vệ sinh, mặc quần áo, ăn uống; một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu “khẩu lệnh” của GV và rất chậm trong việc tiếp thu bài học… Bởi vậy, để phát triển trí tuệ, rèn luyện kỹ năng, kết hợp dạy văn hóa cho các em, mình dành thời gian tham khảo kinh nghiệm từ đồng nghiệp; đồng thời xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng HS, với nội dung xoay quanh 4 kỹ năng: tự lực, vận động, xã hội, giao tiếp-văn hóa. Trong đó, chú trọng kỹ năng “tự lực” để các em có khả năng tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày. Trong các tiết dạy, GV sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học.  Sau gần 3 tháng học tập, đến nay, 11 HS mắc các bệnh như down, bại não, tự kỷ từ 3-5 tuổi (mới nhập trường trong năm học 2017-2018) do cô giáo Xuân Dung dạy dỗ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đa phần các em đã biết tự đi vệ sinh, xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, biết ngồi yên trong lớp và hợp tác với GV trong học tập… Đây chính là kết quả bước đầu, là động lực giúp cô giáo trẻ Xuân Dung gắn bó với nghề, dìu dắt những trẻ kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Năng cùng học sinh lớp Chậm phát triển.

Cũng tại ngôi Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Loan đang miệt mài hướng dẫn HS chơi các trò chơi vận động. Trò chuyện với cô giáo Loan, chúng tôi được biết cô giáo tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang và có thâm niên hơn 5 năm gắn bó với HS khuyết tật. Năm học 2017-2018, cô giáo Loan được phân công giảng dạy lớp Sơn Ca, với 15 HS chậm phát triển (từ 10-14 tuổi). Gặp chúng tôi, cô giáo Loan tâm sự: Khác với trẻ bình thường dễ nhận thấy sự tiến bộ hằng ngày, còn trẻ khuyết tật chỉ một kỹ năng nhỏ nhưng cũng phải dạy đi dạy lại mất nhiều tháng các em mới làm được. Lớp Sơn Ca có 15 HS nhưng mỗi em một trình độ khác nhau. Có em học chương trình lớp 4 nhưng có em học một chữ cái mà 3 tháng vẫn chưa nhớ mặt chữ… Bởi vậy, để HS nâng cao hiểu biết, vào đầu năm học, chúng tôi thường kiểm tra trình độ, sau đó lên kế hoạch giảng dạy, đặt ra yêu cầu, mục tiêu rèn luyện riêng cho từng HS. Với những em khuyết tật nhẹ, chúng tôi ưu tiên dạy các môn văn hóa, với những em khuyết tật nặng, chúng tôi chú trọng giảng dạy kỹ năng tự lực, xã hội giúp các em hòa đồng, có khả năng tự phục vụ bản thân. Trong quá trình giảng dạy, mỗi GV tạo cảm giác gần gũi, có lòng kiên trì, nhẫn nại dạy trẻ từ những việc nhỏ nhất, đồng thời biết lắng nghe, quan tâm, chia sẻ, bồi dưỡng năng khiếu, giúp HS phát triển khả năng của bản thân.

Trên hành trình đến với GV và HS các trường dạy HS khuyết tật, chúng tôi ghé thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước), gặp cô giáo Nguyễn Thị Năng, Tổ trưởng Tổ Giáo dục chuyên biệt khi cô đang giảng dạy lớp Chậm phát triển với 8 HS, chủ yếu mắc các khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, tăng động… Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo tâm sự: Khi mới đến Trung tâm, đa phần các em đều có những biểu hiện bất thường như la hét, chạy nhảy, đánh bạn và tự làm đau mình... Bởi vậy, để HS ngồi yên trên ghế, có thể đọc, viết và làm những phép tính đơn giản là cả một quá trình dài. Trong quá trình giảng dạy, GV phải nỗ lực rất nhiều, mỗi GV vừa là người dạy chữ, vừa là người mẹ, người bạn cùng học, cùng ăn, cùng chơi với trẻ. Tuy vất vả, nhưng nhìn các em tiến bộ mỗi ngày là chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Trong khó khăn, các thầy, cô giáo cùng nhau nỗ lực, tự nguyện nấu cơm trưa phục vụ HS. Điều mong muốn của chúng tôi lúc này là các nhà hảo tâm hỗ trợ Trung tâm 1 chiếc tivi và xây dựng một sân chơi ngoài trời, giúp các em có thêm điều kiện học tập, nâng cao kỹ năng sinh hoạt...

Dạy HS bình thường tiếp thu bài học là việc khó, với HS khuyết tật lại càng khó hơn bội phần. Chúng tôi thật sự tri ân những tấm lòng của thầy, cô giáo đã quan tâm chăm sóc, dạy dỗ HS khuyết tật và mong rằng các thầy, cô giáo luôn có thật nhiều sức khỏe, luôn tận tâm với nghề, tiếp tục dìu dắt những HS kém may mắn vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.