Tình nguyện viên xứ “kim chi” trên vùng đất Ninh Sơn

(NTO) Từ năm 2014, Việt Nam là một trong những nước được Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về mô hình Saemaul. Tại tỉnh ta, Seamaul được tiến hành ở huyện Ninh Sơn. Không chỉ hỗ trợ về kinh phí, Chính phủ Hàn Quốc còn hỗ trợ tình nguyện viên giúp đỡ nông dân làm đường giao thông, xây dựng hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất, giúp phát triển cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như trồng ớt sạch, xây dựng HTX kiểu mới…, qua đó để phát triển khu vực nông thôn, thu hẹp khoảng cách nông thôn và đô thị, hướng đến sự ổn định và phát triển bền vững.

Những ngày này, trên các làng nông thôn mới ở Ninh Sơn, các tình nguyện viên Hàn Quốc đang tất bật với công việc. Tuy gặp khó về văn hóa cũng như trong giao tiếp đối với người dân địa phương, nhưng các tình nguyện viên Hàn Quốc luôn cố gắng học tập, lắng nghe, từ đó truyền đạt các kiến thức chuyên ngành mình có để hỗ trợ, cùng người dân địa phương chung tay xây dựng làng nông thôn mới. Ông Choi Yong Hwan (62 tuổi), nhóm trưởng tình nguyện viên thôn Tân Mỹ (xã Mỹ Sơn) cho biết: Nhóm chúng tôi có ba người đang giúp nông dân ở đây nhận biết về giá trị và tính quan trọng của thu nhập từ nông nghiệp. Mọi người đang hướng dẫn nông dân cải tạo đất để sản xuất cây ớt. Còn ông Kim Jong-gwang (61 tuổi), nhóm trưởng tình nguyện viên thôn Tân Lập 2 (xã Lương Sơn) thông tin cho chúng tôi biết, 3 tình nguyện viên ở đây đang cố gắng để cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, các tình nguyện viên nỗ lực hỗ trợ người dân làm đường giao thông nông thôn; giúp nông dân xác định được “chất” đất để trồng cây gì là thích hợp, để tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho các nông hộ.

 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng quà tri ân cho các 
tình nguyện viên Hàn Quốc đã đóng góp hỗ trợ xây dựng mô hình Saemaul 
tại thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn).

Làm quen với cuộc sống tại một vùng đất mới là khó khăn lớn đối với các tình nguyện viên Hàn Quốc. Ngoài sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hầu hết các tình nguyện viên phải tự tìm chỗ ở thích hợp để thuận tiện cho công việc của mình. Anh Kim Jae-Young (29 tuổi), tình nguyện viên hỗ trợ về lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, quản lý môi trường nông thôn mới… cho hay: Mình thuê nhà ở Chung cư C2, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, được 15 tháng rồi. Mỗi lần đi làm phải đón xe buýt, mất khoảng một giờ đồng hồ mới lên tới Ninh Sơn. Cự ly đi làm xa, nhưng đi riết rồi cũng quen. Thường thì tình nguyện viên làm việc tại Ninh Sơn có thời gian trung bình từ 1-2 năm và luôn có sự thay đổi giữa người đến và đi. Trước khi về nước, chị Ha Jin Hee (24 tuổi) đã cảm động nói: Cảm ơn mọi người đã hợp tác cùng với tình nguyện viên Hàn Quốc. Sang làm việc, chúng tôi đã học được nhiều điều quý báu từ cuộc sống nông thôn của Ninh Sơn. Ngoài công việc, chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, tình cảm của người dân dành cho chúng tôi. Chúng tôi còn được khám phá, trải nghiệm về du lịch, ẩm thực và nét văn hóa đặc thù về con người, quê hương Ninh Thuận. Nếu có cơ hội, chúng tôi rất mong sẽ được quay lại đây.

Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, nhìn nhận: Hưởng lợi từ chương trình Seamaul Hàn Quốc, các làng nông thôn mới như thôn Tầm Ngân 2 (xã Lâm Sơn), Tân Lập 2 (xã Lương Sơn), Tân Mỹ (xã Mỹ Sơn) ngày càng khởi sắc. Điều đáng nói là người dân nhận thức được muốn có kinh phí hỗ trợ thì nông dân phải xây dựng được kế hoạch khả thi, tùy theo từng dự án được duyệt sẽ được hỗ trợ từ 1-3 tỷ đồng/thôn/năm. Nhờ vào sự hỗ trợ của các tình nguyện viên Hàn Quốc mà “nút thắt” lâu nay của nông dân là sản xuất theo tập tính truyền thống đã được xóa bỏ, thay vào đó là việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tin rằng, thời gian tới, các tình nguyện viên Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ để đưa kinh tế nông thôn của các địa phương ở huyện Ninh Sơn ngày càng phát triển; đặc biệt, làm cho nông dân tự chủ trong sản xuất để nâng cao thu nhập, đưa làng mới nông thôn ngày thêm khởi sắc.