Nhìn lại 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm: Người dân đã quen, nhưng chưa thực sự an toàn

(NTO) Thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP năm 2007 về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Chính phủ đã phát động toàn dân thực hiện chủ trương đội MBH khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy. Qua 10 năm triển khai việc đội MBH, đã góp phần giảm số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ.

Quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy là một chủ trương mang tính nhân văn, nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe người tham gia giao thông. Chính vì vậy, từ khi mới triển khai đã được người dân đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện nghiêm túc. Qua rà soát cơ quan chức năng cho biết, hiện tỷ lệ người đội MBH đạt tới 95-98%, có nhiều nơi đạt xấp xỉ 100%. Điều đáng mừng là kết quả đó vẫn được duy trì tương đối tốt, trở thành thói quen mỗi khi ra đường của người dân. Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trên nhiều tuyến đường trong tỉnh vẫn có nhiều người tham gia giao thông
không chấp hành quy định đội MBH.

Ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Đội MBH là sự nhắc nhở người tham gia giao thông tôn trọng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), góp phần hình thành văn hóa giao thông. Thực hiện tốt quy định đội MBH không chỉ thể hiện tính kỷ cương, văn minh trong tham gia giao thông mà còn góp phần tích cực trong việc giảm số người chết bị thương do TNGT đường bộ.

So sánh số liệu từ đầu năm 2006 đến nay cho thấy, sau hơn 10 năm, TNGT đường bộ giảm. Cụ thể, 9 tháng năm 2006, trên địa bàn tỉnh xảy ra 99 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 93 người chết, 92 người bị thương. Trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh giảm còn 46 vụ TNGT nghiêm trọng (giảm 53,5%), làm 51 người chết (giảm 45,2%), 21 người bị thương (giảm 77,2%). Theo đánh giá của lực lượng chức năng, không chỉ giảm về số vụ TNGT mà số người bị chấn thương sọ não và số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện vì TNGT theo đó cũng được kéo giảm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở khu vực đường giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vào buổi tối ở đô thị, một số nơi việc xử phạt chưa nghiêm. Tình trạng trẻ em ngồi trên môtô, xe gắn máy không được người lớn đội MBH còn phổ biến; đã xuất hiện nhiều kiểu MBH thời trang hoặc không có nguồn gốc xuất xứ và không đáp ứng tiêu chuẩn quy định mà chưa có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để. Theo Thượng tá Phạm Văn Bản, Phó phụ trách Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tuần tra phát hiện 10.971 trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó có 3.476 trường hợp không đội MBH, chiếm 31,7% số vụ vi phạm. Đây là số vi phạm chiếm tỷ lệ khá cao trong số các lỗi thường gặp.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả, khắc phục những tồn tại trong thực hiện quy định đội MBH theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban ATGT quốc gia, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch “Tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với đi môtô, xe gắn máy” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, nhất là đội MBH đạt chuẩn chất lượng khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Mặt khác, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng MBH cho người dân, đồng bào, trẻ em ở các vùng khó khăn trong tỉnh; phát động “Tháng hành động vì ATGT cho trẻ em đến trường” với trọng tâm hành động là đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, góp phần kéo giảm tình trạng TNGT trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, tình hình TTATGT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông tiếp tục tăng nhanh, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về TTATGT chưa có chiều hướng giảm. Vì vậy, đòi hỏi công tác chỉ đạo về đảm bảo ATGT phải thực hiện quyết liệt hơn nữa. Các ngành và địa phương cần thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để nhằm duy trì, phát huy hiệu quả của việc đội MBH theo Nghị định số 32 của Chính phủ. Bên cạnh việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, kết hợp với xử lý nghiêm hành vi không đội MBH.