Ngộ độc rượu Methanol và cách phòng tránh

(NTO) Trong thời gian gần đây, nguy cơ ngộ độc rượu trở nên phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng do rượu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu bị cấm là cồn Methanol vì lợi nhuận (giá thành rẻ, dễ pha chế, khó phát hiện bằng cảm quan); tình trạng lạm dụng sản xuất rượu ngâm cây, con… không nguồn gốc, không được kiểm soát an toàn và lạm dụng khi uống rượu.

Methanol là gì?

Methanol là hóa chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học và CO2; được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hóa học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường (nhiên liệu vận tải, nhiên liệu hàng hải, pin năng lượng mặt trời, phát điện, nấu ăn...). Methanol là dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy, với mùi vị đặc trưng rất giống với Ethanol (loại rượu uống được). Methanol là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và là chất lỏng đầu tiên ngưng tụ khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống. Tuy nhiên, không giống rượu Ethanol, Methanol có độc tính cao và không thích hợp để uống.

Tại sao Methanol gây ngộ độc?

Cồn Methanol có thể gây ngộ độc do uống nhầm hoặc pha chế rượu uống từ cồn công nghiệp. Cồn Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, bị oxy hóa chuyển thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Methanol là một chất độc cực mạnh, chỉ cần uống phải từ 5-15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên là gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong.

Để phòng tránh ngộ độc rượu Methanol:

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố chất lượng, phải có trách nhiệm và lương tâm trong kinh doanh, buôn bán.

Người tiêu dùng:

- Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù và tử vong.

- Người tiêu dùng cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá rẻ, vì đó có khả năng cao là rượu Methanol.