Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng, chống cơn bão số 12

(NTO) Cơn bão 12 đã đi qua, hậu quả của nó để lại vô cùng lớn đối với các địa phương: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng, Đắk Lắk…

Theo đánh giá ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, dù cơn bão số 12 không đổ bộ vào tỉnh ta, nhưng ghi nhận rõ nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo phòng, chống ứng phó với bão, mưa lũ. Đây được xem là bài học kinh nghiệm cần được duy trì, phát huy để chủ động ứng phó với thiên tai.

Ngay khi có thông tin về tình hình cơn bão số 12, dự báo có thể đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với cơn bão số 12, mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh đã liên tiếp có 2 công điện, yêu cầu các ngành, địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống cơn bão số 12. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo ngay cho người dân về cơn bão, khả năng ảnh hưởng nguy hiểm do mưa to và rất to để chủ động phòng tránh và đề phòng lũ quét, sạt lở đất...; tổ chức kiểm tra thực tế tại các vùng xung yếu, trọng điểm nơi dự báo bão đổ vào, nguy cơ lũ quét, lụt lội xảy ra. Quản lý chặt chẽ tàu thuyền, các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, ngập lụt ở các khu vực trũng, thấp, tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người…

Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 12, mưa lũ tại các địa phương, trọng tâm là các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; công tác an toàn đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão... Đặc biệt, ngay trong đêm 3-11, sáng 4-11 thời gian dự kiến cơn bão số 12 đổ bộ vào, các đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu để kiểm tra công tác phòng, chống bão, mưa lũ và di dời dân. Ngay trong đêm, tỉnh ta cũng đã di dời 3.410 hộ/13.059 người ở vùng không an toàn đến nơi trú ẩn an toàn; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão và thời tiết để quyết định tiếp tục di dời kịp thời đến nơi an toàn là 3.605 hộ/19.409 người.

Thực tế cho thấy, với nhiều cơn bão, mặc dù tâm bão không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh, nhưng hoàn lưu của nó có ảnh hưởng rộng, gây ra mưa lớn ở nhiều khu vực. Đặc biệt, với địa bàn Ninh Thuận, thời gian qua mưa nhiều, nên nền đất phần nhiều đã ngậm no nước, vì vậy khi gặp mưa lớn tiếp theo rất dễ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt. Không chỉ vậy, với ảnh hưởng của cơn bão số 12 nhiều khu vực vùng núi, đầu nguồn của nhiều sông, suối cũng sẽ có mưa lớn trên diện rộng, do vậy khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống ở hạ lưu là rất cao. Đặc biệt, không được phép chủ quan cho rằng bão không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh mà dẫn tới lơ là, thiếu cảnh giác trong công tác phòng, chống bão. Cụ thể, hoàn lưu bão số 12 đã gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình nhà nước tại các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Bắc như sau: 65 nhà dân của huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn bị tốc mái; 4 trường tiểu học, mẫu giáo của Ninh Sơn và Bác Ái bị tốc mái...

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện nay, trời nắng, mực nước các sông suối dưới báo động, đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến bất thường của thời tiết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, tránh các thiệt hại xảy ra; không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với tình hình, diễn biến phức tạp của thời tiết hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh tăng cường; tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt tình hình để chỉ đạo xử lý kịp thời; theo dõi tình hình các hồ chứa để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo điều kiện tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Công điện số 1680/CĐ-TTg ngày 4-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ, để có dự báo và cảnh báo cho nhân dân biết chủ động phòng tránh.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng cho biết thêm: Qua triển khai công tác phòng chống cơn bão số 12, mưa lũ vừa qua, tỉnh ta cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong PCTT&TKCN, đó là chủ động trong chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố về PCTT&TKCN; trong dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn và diễn biến bão, mưa lũ; trong thông tin, truyền tin; trong kiểm tra, cập nhật các khu vực có nguy cơ trên cơ sở đó để chủ động tổ chức sơ tán, di dời bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có mưa lũ, bão; thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”. Quá trình chỉ đạo, tổ chức ứng phó PCTT&TKCN và khắc phục hậu quả phải quyết liệt, đồng bộ, thống nhất. Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó PCTT&TKCN phải nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn; kịp thời huy động các nguồn lực, các lực lượng, phương tiện của các đơn vị. Quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, đưa tin, phản ánh kịp thời, sâu rộng về các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai trên các phương tiện thông tin truyền thông; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong chủ động phòng, chống ứng phó với thiên tai.