Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị triển khai phương án ứng phó với bão số 12

(NTO) Ngày 3-11, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão với các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Tại điểm cầu tỉnh ta, dự họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo, lúc 13 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão vào khoảng 12,7 độ vĩ Bắc; 112,7 độ kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận khoảng 350 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12 (115 -135 km/giờ), giật cấp 15. Những giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ khoảng 15 - 20 km/giờ và tiếp tục mạnh lên. Dự báo khoảng 4 đến 7 giờ sáng ngày 4-11, bão đổ bộ vào đất liền. Hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận là vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 12. Từ chiều ngày 3-11, vùng biển ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, đến đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng (4-11) tăng lên cấp 9-10, vùng gần bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội. Đối với đất liền, từ rạng sáng và trong ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận sẽ có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11.

Trước diễn biến bão số 12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Ninh Thuận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tập trung cao độ với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt; nắm chắc tình hình, triển khai có hiệu quả công tác ứng phó. Đến thời điểm 16 giờ, ngày 3-11 có 2.303 tàu thuyền/13.671 lao động đã được đưa về trú đậu nơi an toàn tại các bến, cảng của tỉnh; 347 chiếc/2.796 lao động đang neo đậu tại các tỉnh bạn. (còn 1 tàu cá/7 lao động hoạt động tại khu vực DK1 chưa liên lạc được, hiện Bộ đội biên phòng, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 đang phối hợp tìm kiếm). Tỉnh cũng đã tổ chức di dời các hộ dân sống dọc bờ biển, những vùng trũng, thấp đến trú tạm tại các nhà kiên cố trong dân. Huy động lực lượng quân đội, công an và các lực lượng tại chỗ hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cũng như đảm bảo thông tin liên lạc trong thời gian xảy ra bão lũ.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo tình hình và
phương án ứng phó bão số 12 với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị.

Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo phương án ứng phó với bão số 12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tinh thần chủ động trong công tác chuẩn bị của các tỉnh, thành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa – Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ trong vòng 20 năm trở lại đây. Mức độ nguy hiểm của nó tương đương, thậm chí còn lớn hơn cơn bão số 10 đã đổ bộ vào miền Trung. Điều đáng lo ngại là hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận ít bị bảo đổ bộ nên tâm lý người dân rất chủ quan, ít có kinh nghiệm trong ứng phó với bão. Hơn nữa, trong đợt bão này, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nên khả năng mưa sau bão sẽ rất lớn. Dự báo từ chiều tối ngày 3-11 đến hết ngày 7-11 sẽ diễn ra mưa lớn, với lượng mưa phổ biến từ 500-1.000mm nên dễ gây mưa to, lũ lớn.

Trước diễn biến trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung tất cả nguồn lực bảo đảm an toàn tính mạng, các phương tiện, tài sản của người dân. Tiếp tục rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm; tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền, kể cả ở nơi neo đậu trước khi bão đổ bộ vào. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh, xe tuyên truyền lưu động để tuyên truyền cho cho người dân biết mức độ nguy hiểm, thời gian dự kiến bão đổ bộ để người dân biết ứng phó. Tập trung chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế; có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, an toàn lưới điện, phân luồng giao thông... Đồng thời, lưu ý các địa phương trong việc đảm bảo an toàn hồ đập, tổ chức trực 24/24 giờ để vận hành vừa cắt lũ giúp vùng hạ du khi mưa bão, nước lũ đổ về, khi xả lũ phải có thông báo trước cho chính quyền địa phương, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do bão, lũ gây ra.