Thôn Suối Đá với lộ trình tạo thương hiệu heo đen, gà núi Thuận Bắc

(NTO) Về Thuận Bắc vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi được dịp tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững, trong đó gây ấn tượng hơn cả là các mô hình nuôi heo đen, gà thả vườn tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải. Là gia súc, gia cầm bản địa, heo đen và gà nuôi của người dân miền núi Thuận Bắc đang được biết đến là loại đặc sản ưa thích của người tiêu dùng bởi chất lượng thịt thơm ngon và đang được định hướng tạo thương hiệu.

Theo anh Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thuận Bắc, huyện đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng hai thương hiệu “Heo đen và gà Thuận Bắc”, theo lộ trình, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III-2018. Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo phòng phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá (xã Lợi Hải) thành lập 10 tổ nhóm/100 thành viên chuyên sản xuất heo đen tại thôn Suối Đá. Hiện nay, đàn heo đẻ của các thành viên HTX gồm có 50 con nái, 80 con nái hậu bị. Về gà, bên cạnh đàn gà núi có khoảng 300 con của các thành viên HTX, trong vụ hè-thu vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện còn phối hợp với xã Lợi Hải chọn 4 hộ thành viên HTX tham gia mô hình nuôi gà thả vườn và đã hỗ trợ mỗi hộ 25 con giống gà ta. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh giúp HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá tổ chức sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nói chung, việc tạo thương hiệu “Heo đen và gà Thuận Bắc” đang được các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ tích cực.

Heo đen lai heo rừng được nuôi phổ biến ở Suối Đá.

Anh Trần Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: Việc nuôi heo đen thương phẩm tuy chỉ phát triển trong những năm gần đây, nhưng đã có một số hộ đồng bào Raglai trong xã biết áp dụng phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi mới và đang có đầu ra ổn định, đặc biệt là ở thôn Suối Đá. Thực tế qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ người Raglai mà cả người Kinh cư trú ở Suối Đá cũng đã nuôi bán thịt, quảng bá sản phẩm heo đen và gà thả vườn (còn gọi là gà núi), đơn cử chị Lưu Thị Bích Lược. Là thành viên của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá, tận dụng lợi thế nhà ở ven Quốc lộ 1A, chị Lược nuôi khoảng 50 con heo đen (loại lai heo rừng) và 80 con gà thả vườn địa phương. Heo nuôi khoảng 25-30 kg thì xuất chuồng, giá bán heo hơi 100 ngàn đồng/kg; gà nuôi đạt 1,3-1,8 kg thì bán thịt, giá cũng 100 ngàn đồng/kg. Khách hàng của chị chủ yếu là từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ghé mua, cứ bán xong lứa heo, gà là nuôi lại lứa mới, nhưng chị thường không đủ hàng cung cấp cho khách. Chị Lược cho biết: Tôi thấy trong khi chờ xây dựng, đăng ký thương hiệu, thì trên thị trường đã có rất nhiều khách ngoài tỉnh biết đến thương hiệu sản phẩm heo đen, gà núi Thuận Bắc. Có lẽ đó chính là lý do Suối Đá được huyện, xã chọn làm nơi phát triển thương hiệu “Heo đen và gà Thuận Bắc”.

Suối Đá là một trong 6 thôn của xã Lợi Hải, chiếm hơn 85% là đồng bào Raglai và trong tổng số 438 hộ, với gần 1.900 nhân khẩu đã có trên 70% hộ dân có chăn nuôi heo. Thấy được ưu điểm vượt trội của heo đen, vì là giống bản địa đã quen với khí hậu và địa hình, trước đây Dự án Hỗ trợ Tam nông từng hỗ trợ cho 20 hộ trong thôn làm chuồng nuôi. Ông Nguyễn Anh Linh, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá chia sẻ: Bên cạnh nuôi heo, nhà nào có vườn, sân rộng, có nương rẫy hoặc ở gần đồi núi đều thả nuôi gà. Từ khi có HTX, việc tiêu thụ heo, gà thuận lợi hơn nhờ bước đầu liên kết được với các doanh nghiệp. Được thành lập từ giữa tháng 11-2016, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá có 17 thành viên, trong đó có 7 thành viên chuyên chăn nuôi heo, gà. Theo ông Linh, dù được khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nhưng ban đầu HTX rất lúng túng cho đến khi chọn được hướng đi là nuôi heo đen và gà thả vườn. Vì vậy khi có kinh phí đầu tư của tỉnh, HTX khẩn trương xúc tiến xây dựng thương hiệu, vừa làm mô hình chọn hộ điển hình nuôi heo đen, gà núi theo đúng quy trình sản xuất sạch.

Để tạo thuận lợi cho lộ trình xây dựng hai thương hiệu “Heo đen và gà Thuận Bắc”, vừa qua, UBND huyện đã kêu gọi Công ty Cổ phần Nông nghiệp R&D đầu tư lò giết mổ tập trung tại thôn Suối Đá. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Thuận Bắc trong phát triển lĩnh vực chăn nuôi, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Theo ông Nguyễn Anh Linh, đến nay tuy chưa gặp khó khăn, trở ngại gì, nhưng về hướng lâu dài, khi đã hình thành thương hiệu, người nuôi “heo đen và gà Thuận Bắc” rất cần sự hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng để đầu tư phát triển. Với vai trò đại diện, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá cần bảo đảm cung cấp đủ sản phẩm heo, gà theo hợp đồng mới duy trì bền vững sự liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, nhân tố quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu heo đen và gà núi Thuận Bắc.