Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển”

(NTO) Ngày 16-10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4290/KH-UBND phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển” đến năm 2020.

Kế hoạch xác định mục đích của phong trào thi đua là nhằm xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; các doanh nghiệp tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với mục tiêu xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 4.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; thông qua việc tổ chức phát động các phong trào thi đua, phát huy và khuyến khích sáng tạo của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt phong trào thi đua, Kế hoạch yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua thiết thực, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo hiệu quả hoạt động; thi đua phải trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn kết chặt chẽ kết quả thực hiện phong trào thi đua với công tác khen thưởng.

Nội dung của phong trào thi đua, trước hết đối với các sở, ngành, địa phương đó là thi đua nâng cao năng lực xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách bảo đảm công khai, minh bạch hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; áp dụng phương thức quản lý hiện đại, tạo dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính. Đối với doanh nghiệp đó là thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cụ thể, tăng doanh thu, lợi nhuận, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tiến độ và kế hoạch đã đề ra; cải tiến khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”; xây dựng và giữ gìn văn hoá và đạo đức kinh doanh; bảo đảm an toàn lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước bảo đảm đầy đủ và vượt chỉ tiêu kế hoạch; góp sức vì cộng đồng, an sinh xã hội...

Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp; tiêu chuẩn thi đua và hình thức khen thưởng; tiến độ thực hiện... để các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện.