Động lực để các khu, cụm công nghiệp phát triển

(NTO) Xác định phát triển công nghiệp (CN) là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, “dồn sức” rất nhiều cho lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả khá rõ nét.

Dấu ấn sau nhiều năm nỗ lực

Chủ trương phát triển CN được tỉnh ta quan tâm từ những năm đầu mới tái lập tỉnh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó việc phát triển CN đối với Ninh Thuận còn gặp rất nhiều khó khăn, do kết cấu hạ tầng thiếu thốn, các khu, cụm CN chưa được hình thành. Sau nhiều trăn trở và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, ngày 7-6-2007, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Ninh Thuận được thành lập theo Quyết định 719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11-2007. Ngay sau đó, một loạt các khu, cụm CN như: Du Long, Phước Nam, Tháp Chàm... đã được hình thành, đánh dấu sự khởi đầu về phát triển CN ở tỉnh ta.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận- Chi nhánh Ninh Thuận đóng gói sản phẩm tôm xuất khẩu.
Ảnh: Văn Miên

Ông Đỗ Quốc Trí, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Hiện Ninh Thuận có 4 KCN và 7 cụm công nghiệp (CCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích đất quy hoạch 1.909 ha. Đến nay, có 3 KCN là Du Long, Phước Nam, Thành Hải và 3 CCN gồm: Tháp Chàm, Quảng Sơn và Hiếu Thiện được thành lập; trong đó, có 2 KCN là Phước Nam, Thành Hải và 1 CCN Tháp Chàm đã đi vào hoạt động. Trong số các khu, cụm CN đang hoạt động nói trên, đáng chú ý là KCN Thành Hải, từ một CCN có quy mô trên 57 ha, nhưng sau vài năm nỗ lực thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng đồng bộ, CCN này đã có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã cho chuyển CCN Thành Hải thành KCN Thành Hải và mở rộng quy mô lên 77,987 ha.

Hiện tại, KCN Thành Hải đang có 11 nhà đầu tư đăng ký thuê đất thực hiện dự án. Trong đó, một số dự án như: Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận, Nhà máy Thuốc lá của Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn... đã phát huy năng lực sau đầu tư rất tốt, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà khá lớn. Riêng KCN Phước Nam do nhiều lý do khách quan, nên đến nay khối lượng thi công ước đạt 35% và có 2 dự án là Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH xây dựng và Trang trí nội thất Vạn Gia; Nhà máy Sản xuất than từ thảo mộc của Công ty TNHH MTV Long Kim Phát đang hoạt động. Đối với CCN Tháp Chàm (quy mô gần 24 ha), nhờ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đến nay có 8 doanh nghiệp (DN) đăng ký thuê đất đầu tư. Trong đó, hiện tại có 7 dự án thứ cấp đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy CCN này đạt khoảng 72,54%.

Với chính sách thu hút đầu tư theo hướng ưu đãi, đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận lợi cho các DN, sau 10 năm đi vào hoạt động tại các khu, cụm CN của tỉnh đã có 25 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư, với tổng vốn trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có 21 dự án đang hoạt động, 4 dự án đang đầu tư xây dựng, với diện tích đất đã cho thuê 56,16 ha. Ngành nghề thu hút vào các khu, cụm CN chủ yếu là CN chế biến, chế tạo, dệt may…, tạo ra doanh thu khá lớn, mỗi năm, ngoài đóng góp ngân sách khoảng 550 tỷ đồng (chiếm 26% nguồn thu ngân sách của tỉnh), còn tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương.

Kỳ vọng bước phát triển mới

Nhìn lại sau 10 năm đi vào hoạt động cho thấy, tổng giá trị sản xuất, doanh thu, nộp ngân sách... của các DN trong các khu, cụm CN không ngừng tăng lên. Cụ thể, nếu năm 2008 tổng doanh thu của các DN trong các khu, cụm CN chỉ đạt 5,656 tỷ đồng thì đến năm 2016 đạt trên 3.727 tỷ đồng; giá trị kim ngach xuất khẩu đạt 75,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 94,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, hiện đã có 1 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 1.400m2/ngày- đêm, đáp ứng tốt nhu cầu xử lý nước thải của các nhà máy. Bên cạnh đó, tại các khu, cụm CN các nhà đầu tư còn quan tâm trồng cây xanh, trang bị hệ thống quan trắc nước thải tự động, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, bố trí khu vực lưu giữ chất thải và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường...

Hiện nay, tỉnh ta đã được Bộ Công Thương chấp thuận cho đầu tư phát triển lên 9 CCN, với diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 364,66 ha. Để các khu, cụm CN phát triển, tạo đà đưa ngành CN phát triển, ngoài việc hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Quảng Sơn, Phước Tiến để kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư dự án, phục vụ phát triển kinh tế vùng miền núi, tỉnh còn chỉ đạo các ngành rà soát hiện trạng đất để điều chỉnh quy hoạch và triển khai lập quy hoạch chi tiết đối với các CCN chế biến Thủy sản tập trung, CCN Titan... theo hướng xã hội hóa. Đối với KCN Du Long, đến nay đã chuyển đổi cho chủ đầu tư mới là Tập đoàn Hoa Sen, theo kế hoạch đến cuối năm 2018 nhà đầu tư sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư dự án chế biến, chế tạo linh kiện phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến xây dựng KCN này trở thành vùng động lực kinh tế phía Bắc của tỉnh. Riêng KCN Cà Ná, các sở, ngành, địa phương phối hợp Tập đoàn Hoa Sen quyết tâm thực hiện hoàn thành toàn bộ việc giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch để thực hiện dự án trên diện tích 800 ha theo đúng kế hoạch.

Ngoài các giải pháp kể trên, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tăng cường đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm CN đáp ứng điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án; quan tâm đến việc giám sát môi trường, đặc biệt trong tham mưu, phê duyệt dự án cần ưu tiên các dự án có kỹ thuật, công nghệ cao, có tính khả thi, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Cách làm này không chỉ giúp tỉnh xác định chính xác năng lực tài chính của các DN, mà qua đó còn chọn đúng nhà đầu tư có nhu cầu thực sự, tránh tình trạng nhà đầu tư lợi dụng chủ trương, chính sách ưu đãi của tỉnh để “thuê đất nhiều nhưng làm ít”, hoặc sử dụng sai mục đích. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm CN đạt từ 50-60%, giá trị sản xuất CN trong các khu, cụm CN đạt từ 35%-40% theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển CN tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 – 2020 đã đề ra.

Đồng chí Phạm Văn Hậu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp:

Với tinh thần thân thiện, đồng hành cùng nhà đầu tư, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của Ninh Thuận, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp (DN). Đồng thời, tỉnh còn đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt cơ chế phối hợp, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư; tạo điều kiện để các DN yên tâm sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, bảo đảm các dự án hoạt động thực chất, thời gian tới, tỉnh luôn nêu cao quan điểm phát triển bền vững, không thu hút đầu tư bằng mọi giá gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến môi trường. Việc thu hút đầu tư có sự chọn lọc về chất lượng, ưu tiên những lĩnh vực, ngành nghề có kỹ thuật công nghệ cao, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với lợi thế của tỉnh như chế biến, năng lượng…, với quyết tâm không để dự án “treo”, gây lãng phí tài nguyên và gây mất niềm tin trong nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, đôn đốc các dự án đã triển khai thực hiện đẩy nhanh tiến độ; kêu gọi doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư dự án vào các khu, cụm CN theo hướng xã hội hóa. Nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thanh tra, kiểm tra, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Phối hợp nhà đầu tư thực hiện tốt việc đào tạo, tuyển dụng lao động; khuyến khích DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong đầu tư; thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền lợi cho người lao động...

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị

nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp:

Qua 10 năm hoạt động, các khu, cụm CN đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng và thu hút DN đầu tư sản xuất tại các khu, cụm CN tương đối hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi thuận lợi cho DN cũng được quan tâm nhiều hơn. Có thể nói, tôi khá ấn tượng với con số đóng góp từ các khu, cụm công nghiệp: doanh thu trên dưới 97% kim ngạch xuất khẩu, chiếm 99% toàn ngành công nghiệp của tỉnh và tạo việc làm cho trên 3.000 lao động trong tỉnh. Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, viên chức của Ban Quản lý các Khu CN, từ việc hỗ trợ về thủ tục đến tham gia giải quyết kịp thời các khó khăn, cũng như kiến nghị của DN, tạo thuận lợi nhất cho DN phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, qua đó tạo được niềm tin trong cộng đồng DN để ngày càng thu hút nhiều DN vào các khu, cụm CN.

Với vị trí địa kinh tế không được thuận lợi của tỉnh, nên việc thu hút đầu tư từ các DN trong và ngoài nước có khó hơn so với các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nếu các khu, cụm CN của tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, đồng thời quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng với chính sách ưu đãi, thu hút phù hợp, gắn với mở rộng xúc tiến đầu tư quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh..., tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều DN đến với tỉnh nói chung và như vậy cũng có nghĩa là các khu, cụm CN sẽ đón nhận ngày càng nhiều DN vào đầu tư sản xuất, góp phần cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Ông Trần Đình Trương

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn- Ninh Thuận:

Với sự nỗ lực của chính mình, cộng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, hơn 4 năm đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh. Trung bình hằng năm nộp ngân sách khoảng 450 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 120 lao động với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty còn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện giúp ích cho cộng đồng.

Thời gian tới, công ty sẽ có các giải pháp đẩy mạnh khâu tiêu thụ nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, nhất là nâng cao công suất Nhà máy sản xuất thứ 2, nhãn hàng Sagota. Nhân đây, tôi mong rằng tỉnh cần tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Khu CN Thành Hải ngày càng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty chúng tôi cũng như các DN khác thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Phan Thị Mai Thảo

Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Hoa In:

Từ chính sách ưu đãi của tỉnh Ninh Thuận, tháng 3-2013, Công ty TNHH Thời trang Hoa In quyết định xây dựng nhà xưởng ở Cụm CN Tháp Chàm (phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chuyên gia công hàng thời trang xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản… Mới đầu đến Ninh Thuận, công ty gặp một số khó khăn nhất định, tuy nhiên được sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng trong xây dựng hồ sơ pháp lý, hoàn thiện thủ tục đầu tư, công ty nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Đến nay, công ty an tâm về đảm bảo an ninh, cũng như hạ tầng giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng hành cùng DN, hằng năm lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức các buổi đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Hoạt động của công ty nhờ đó ngày càng được mở rộng, doanh thu hiện nay đạt khoảng 400.000 USD/năm, tăng gấp 3 lần so với thời gian đầu mới đi vào hoạt động, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động.

Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng trên thế giới biết đến. Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản là “bạn hàng” truyền thống, hiện nay hãng thời trang nổi tiếng PoLo của Mỹ cũng đã đến tìm hiểu hợp tác làm ăn với công ty, đối tác rất hài lòng về công tác quản lý và hỗ trợ DN của chính quyền sở tại. Năm 2018, công ty mở rộng sản xuất, tiếp tục nhận hàng gia công, vừa làm hàng FOB chất lượng cao (trực tiếp nhập nguyên liệu đầu vào không qua khâu trung gian) để nâng giá trị gia tăng sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, coi đó là chiến lược của công ty trong hành trình hướng tới thịnh vượng.