Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cần sự chung tay của cộng đồng

(NTO) Trẻ vị thành niên (VTN) là lứa tuổi phát triển nhanh về thể chất, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý; là giai đoạn quan trọng hình thành nên nhân cách của trẻ về sau. Mặt khác, do sự “nở rộ” của Internet, trẻ VTN càng có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và kiến thức mới dễ dàng nhưng lại chưa có kinh nghiệm, kỹ năng sống nên dễ mắc phải sai lầm không đáng có. Vì vậy, việc giáo dục cho trẻ những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, nhất là kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) là rất cần thiết.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm CSSKSS tỉnh, trong năm 2016 toàn tỉnh có 9 trẻ VTN nạo phá thai. Đến tháng 9-2017, có 16 ca nạo phá thai. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả sơ bộ, vì hầu hết các đối tượng chưa kết hôn, VTN mang thai ngoài ý muốn thực hiện nạo hút thai đều tìm đến các phòng khám tư nhân nhằm giữ bí mật cá nhân.

Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: Để nâng cao kiến thức, kỹ năng và hành vi của VTN trong việc tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe bản thân, ngành Dân số có nhiều nỗ lực triển khai nhiều mô hình hỗ trợ. Tiêu biểu như từ năm 2009, Chi cục DS-KHHGĐ thành lập và duy trì 58 Câu lạc bộ (CLB) “CSSKSS tiền hôn nhân”, với 1.740 thành viên từ 15- 24 tuổi tập trung trên địa bàn 29 xã, phường. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, định kỳ mỗi tháng/lần, các CLB tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt khá phong phú như: Lồng ghép với sinh hoạt Đoàn, văn nghệ ở địa phương; các buổi tọa đàm, thảo luận; tổ chức các đợt nói chuyện chuyên đề… Đây được coi là “diễn đàn” để các em được chia sẻ, trao đổi những điều vốn được coi là thầm kín, khó nói như giáo dục CSSKSS, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay sự khác nhau giữa tình bạn và tình bạn khác giới; mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn tuổi VTN... Từ đó giúp các em có suy nghĩ đúng, hình thành các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu và hôn nhân gia đình; nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc CSSK tiền hôn nhân, tự nguyện chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi kết hôn để được phát hiện sớm, điều trị, phòng ngừa các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trước khi lập gia đình, sinh con. Chi cục DS-KHHGĐ còn phối hợp với các cấp Đoàn cơ sở, Ban Giám hiệu các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức truyền thông về giới, tư vấn CSSKSS cho đối tượng VTN. Bên cạnh đó, vào tháng 10-2015, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015-2020”. Qua đó, từng bước làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở các địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù những kết quả mà các CLB, đề án mang lại rất đáng ghi nhận, song do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc cung cấp kiến thức về CSSKSS cho lứa tuổi VTN ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ năm 2016 đến nay, hầu hết các CLB “CSSKSS tiền hôn nhân” đều hoạt động cầm chừng. Chị Nguyễn Lê Anh Thư, Bí thư Đoàn phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: Mặc dù kiến thức về CSSKSS VTN khá bổ ích, được nhiều bạn quan tâm nhưng do không có kinh phí nên CLB chỉ tập trung sinh hoạt lồng ghép trong dịp hè.

Tuyên truyền CSSKSS cho VTN, thanh niên là việc làm cần thiết nhằm giúp trẻ VTN nhận thức rõ ràng hơn về SKSS, trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ. Để giải quyết những khó khăn trước mắt, thiết nghĩ, ngoài vai trò của các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội, cần hơn nữa vai trò của gia đình, nhất là các bậc cha mẹ để giúp các em có nhận thức đúng đắn về CSSKSS, tự tin trước ngưỡng cửa cuộc đời. Các bậc phụ huynh nên chủ động gần gũi, chia sẻ, giáo dục giới tính với con để kịp thời uốn nắn phù hợp.