Phước Vinh nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

(NTO) Trong những năm qua, cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, cấp ủy, chính quyền xã Phước Vinh (Ninh Phước) đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát huy có hiệu quả các thế mạnh của địa phương, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa.

Toàn xã hiện có 2.757 hộ dân, 12.041 nhân khẩu, sống chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Để đưa kinh tế địa phương phát triển, những năm qua, địa phương đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện tập trung đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác sang tiếp cận các mô hình sản xuất mới, áp dụng khoa học-kỹ thuật, từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay, tình hình kinh tế-xã hội ngày càng phát triển và đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

 
Nông dân xã Phước Vinh trồng bắp lai giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, hằng năm ngoài việc duy trì diện tích cây lúa khoảng 200 ha áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất, cho năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha/vụ, địa phương còn vận động nông dân tập trung phát triển các loại cây trồng như: bắp lai, táo, nha đam, mía và một số loại hoa màu khác. Trong đó cây bắp lai có diện tích khá lớn, với 800 ha, táo 50 ha... Để nâng cao giá trị sản xuất, hằng năm xã còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa, bắp, táo; vận động nông dân đưa các loại giống cây trồng có giá trị vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ. Điều đáng ghi nhận là nông dân đã thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Trong vụ đông-xuân 2016-2017, nông dân trong xã đã chủ động hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Giống cây trồng miền Nam trồng hơn 350 ha bắp lai giống, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Các doanh nghiệp hỗ trợ giống, đầu tư phân bón và cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật. Với năng suất trung bình đạt 6,5-7 tấn/ha, nông dân thu lãi 40-50 triệu đồng/ha/vụ, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn xã trong 9 tháng năm 2017 đạt trên 205 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ (trong đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt 101 tỷ đồng).

Ngoài ra, với lợi thế về nông nghiệp có nguồn phụ phẩm phong phú, tiềm năng lao động dồi dào, nông dân xã Phước Vinh còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Bò, dê, cừu, heo... với tổng đàn hiện có trên 15.900 con. Điểm nổi bật trong chăn nuôi, nông dân Phước Vinh không chỉ biết áp dụng các kỹ thuật mới trong lai tạo giống nâng cao chất lượng đàn, mà còn thay đổi mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp cũng đang được phát triển mạnh ở địa phương. Đến nay, toàn xã có 3 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và 1 trang trại nuôi gia cầm lấy trứng với số lượng đàn lên tới hàng ngàn con. Nhiều mô hình chăn nuôi phát huy được hiệu quả như: Nuôi bò vỗ béo và sinh sản, nuôi dê, cừu sinh sản... tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ.

Nhờ đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 4,9%. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, theo ông Mang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực. Huy động các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các ngành đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.