Ninh Sơn đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở

(NTO) Những năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở theo tinh thần Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đồng chí Lê Văn Chín, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ninh Sơn, việc thực hiện QCDC theo Pháp lệnh số 34 đã góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân, tạo ra bước chuyển quan trọng trong xây dựng cộng đồng dân cư; nâng cao tính chủ động trong bàn bạc, xây dựng phương án tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, phát huy thuần phong, mỹ tục, tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời, việc thực hiện QCDC còn góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân dân.

 
Trung tâm huyện Ninh Sơn. Ảnh: N.S

Điểm nhấn trong thực hiện QCDC ở Ninh Sơn là phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” được phát huy cao. Thông qua công tác vận động với đồng thuận cao, nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công, đổ hàng ngàn khối đất để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. Đơn cử như Nhân dân đã đóng góp hơn 25 tỷ đồng tu sửa trên 560 km đường nông thôn, trong đó bê tông, cứng hóa trên 182,3 km theo tiêu chí nông thôn mới; hơn 1.286 bóng điện đường nông thôn được lắp đặt... Nhiều hộ gia đình đã nhiệt tình đóng góp như: 7 hộ dân xã Mỹ Sơn tự đóng góp 700 m2 đất để làm 1,5 km đường nội đồng và 1 hộ hiến 3.000 m2 đất để xây dựng trường học; 1 hộ gia đình ở xã Nhơn Sơn tự bỏ 80 triệu đồng để bê tông đoạn đường nông thôn dài 65 m... Song song đó, công tác vận động quần chúng đã được Mặt trận và các đoàn thể chú trọng đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, hoạt động của các đoàn thể đã gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội mang lại lợi ích thiết thực cho từng đoàn viên, hội viên. Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đã được tập trung xem xét, giải quyết như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 27 đã được đẩy mạnh; việc khai thác đá, cát tại các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn đã được làm rõ và xử lý; tuyên truyền, vận động người dân trong vùng dự án kênh chính Đập dâng Tân Mỹ... Ngoài ra, còn tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, chế độ an sinh xã hội, an ninh trật tự tại thôn, xóm; đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.

Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tốt những việc dân được bàn và quyết định trực tiếp như mức đóng góp xây dựng đường giao thông liên thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân. Thông qua việc công khai dân chủ của chính quyền, Nhân dân đã thể hiện tốt vai trò giám sát, kiểm tra về tình hình thu, chi các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội, tạo được niềm tin và sự phấn khởi trong Nhân dân. Theo lãnh đạo xã Hòa Sơn cho biết, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng 68 công trình công cộng, hạ tầng sản xuất với tổng vốn đầu tư trên 53 tỷ đồng. Các chương trình, dự án trước khi triển khai thực hiện, UBND xã đều tổ chức họp dân ở thôn, lấy ý kiến nhu cầu của Nhân dân trước khi thực hiện. Phát huy hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các công trình xây dựng thuộc dự án hạ tầng cơ sở nông thôn đều được người dân tham gia giám sát nên đã phát hiện những thiếu sót trong quá trình thi công và kiến nghị chính quyền xã có sự điều chỉnh kịp thời.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới, đồng chí Lê Văn Chín cho biết thêm: Vấn đề đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn việc thực hiện Pháp lệnh 34 với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng, tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân, chăm lo đến an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện QCDC ở cơ sở, đặc biệt trong công tác giám sát, phản biện gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ tự quản cơ sở. Phát huy quyền làm chủ của xã hội, huy động mọi nguồn lực, sức sáng tạo và đóng góp của Nhân dân, tạo động lực để phát triển toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương.