Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV

Sáng 23-10, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội (QH) khoá XIV đã Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tư. Kỳ họp này QH dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo chương trình dự kiến, QH sẽ dành hơn mười ngày làm việc để tập trung xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. QH dành khoảng 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề cấp thiết, quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, QH còn tập trung thảo luận, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, góp phần hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên nhiều lĩnh vực hàng năm và các năm tiếp theo; đồng thời xem xét, quyết định một số vấn đề về công tác nhân sự.

 
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội sáng 23-10-2017.  Ảnh: TTXVN

Trong buổi sáng khai mạc kỳ họp thứ tư, QH khoá XIV, sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2017, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018. Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ, trong số 13 chỉ tiêu được QH phê duyệt năm 2017, sẽ có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP, sau 9 tháng đã tăng 6,41% và ước cả năm đạt khoảng 6,7% - đạt chỉ tiêu QH đề ra. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khảng 5 triệu tỷ đồng. Bình quân GDP đầu người khoảng 2.400 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,79% trong 9 tháng và ước bình quân tăng khoảng 4% so với năm 2016. Nâng mức dụ trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, riêng khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%...

Tuy đạt những kết quả nổi bật nêu trên nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao; một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp; nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đạt thấp...

Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Thủ tướng chỉ rõ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Thủ tướng Chính phủ xác định một số chỉ tiêu KT-XH năm 2018 cần phấn đấu đạt được như: GDP tăng

6,5 - 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 – 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 – 34%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 – 1,3%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%...