Ninh Phước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã

(NTO) Những năm qua, mô hình kinh tế tập thể, nhất là hoạt động của hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ninh Phước đã từng bước được đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Hiện nay, toàn huyện Ninh Phước có 30 HTX thuộc các ngành, lĩnh vực đăng ký hoạt động theo Luật HTX, trong đó có 23 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp, 4 HTX phi nông nghiệp và 3 HTX dịch vụ tổng hợp, với 8.803 thành viên, có tổng số vốn điều lệ hoạt động trên 15 tỷ đồng. Đến nay, đã có 20 HTX được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất măng tây xanh,
mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.Mạnh

Thực tế cho thấy, nhiều HTX kiểu mới được củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động đã phát huy được năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo được sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao doanh thu, lợi nhuận, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Các HTX bước đầu hình thành được mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là làm cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất như: Mô hình “1 phải, 5 giảm”, xây dựng cánh đồng lớn; mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình sản xuất rau an toàn... đã thích nghi với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Qua đó, giúp người dân dần thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất cũ để từ đó các thành viên ngày càng chủ động, phát huy vai trò làm chủ của mình trong việc liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu thị trường.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi, tạo được chỗ dựa vững chắc cho các thành viên. Trước đây, HTX vẫn hoạt động theo kiểu cũ, trên giấy tờ thì HTX có tiềm lực nhưng thực chất nguồn vốn của HTX không có, vì vậy niềm tin của xã viên bị giảm sút. Năm 2013, thực hiện theo Luật HTX năm 2012, HTX đã tập trung vào việc chuyển đổi cây trồng, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Ông Lê Hòa Phúc, Giám đốc HTX Phước An cho biết: Từ khi chuyển đổi theo hướng đi mới, HTX đã đứng ra thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp giúp người dân mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất bắp lai giống, bởi giá cả ổn định, đầu ra sản phẩm đã có doanh nghiệp thu mua, tránh được tình trạng được mùa mất giá, nên tạo được niềm tin cho các thành viên vào HTX. Theo tính toán, năng suất bắp giống bình quân đạt 7 tấn/ha, với giá bán hơn 9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi 40 triệu đồng/ha. Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải) đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, vận động các thành viên tích cực thay đổi phương thức trồng rau truyền thống sang trồng rau an toàn, đưa các loại giống cây trồng có giá trị cao vào sản xuất và áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm với diện tích 53 ha, nên năng suất các loại cây trồng đạt khá. Nhờ đó, sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm các thành viên của HTX thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước)
cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên.Ảnh: Thanh Long

Từ thực tiễn hoạt động cho thấy, việc chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới đã nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành được một số mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể ở địa phương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhiều HTX còn thiếu định hướng, kế hoạch sản xuất, kinh doanh chưa phù hợp với thị trường, quy mô hoạt động còn nhỏ, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; một số HTX chưa chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân. Mặt khác, năng lực, nguồn vốn hiện có của các HTX chuyển đổi và thành lập mới còn hạn chế; một số chính sách hỗ trợ HTX chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời, dẫn đến hiệu quả thấp, nhất là tiếp cận nguồn vốn tín dụng, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ hội đồng quản trị cho các HTX...

Để khắc phục những hạn chế trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, theo đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, nhất là các HTX hoạt động hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; tập trung đổi mới, phát triển HTX và củng cố tổ hợp tác theo cơ chế thị trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung đẩy mạnh việc liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, lựa chọn các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.