Ngành Thuế tăng cường các giải pháp thu hồi nợ thuế

(NTO) Từ đầu năm đến nay, ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý nguồn thu, Cục Thuế tỉnh còn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, nên tình trạng nợ thuế còn dây dưa, kéo dài. Tính đến đầu tháng 9-2017, tổng số nợ thuế toàn tỉnh là 283,2 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 116,1 tỷ đồng, chiếm 5,5% trên tổng thu ngân sách năm 2017.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế như đã kể trên, nhưng trước hết là do nhận thức của một bộ phận đối tượng nộp thuế chưa cao, nên dù cơ quan thuế có nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình chây ỳ, nợ thuế. Có trường hợp cơ sở kinh doanh đã giải thể, tạm ngưng hoạt động nhưng không khai báo, nên cơ quan thuế tiếp tục tính thuế, dẫn đến treo nợ khống. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa, đó là trách nhiệm quản lý, đôn đốc thu nộp thuế của một số cán bộ, đơn vị thu chưa cao, có lúc chưa bám sát địa bàn để thường xuyên nhắc nhở, thực hiện triệt để các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế...

Ngành Thuế ra quân tuyên truyền nộp thuế.

Để đảm bảo chỉ tiêu thu nợ mà Tổng cục Thuế giao, đồng thời góp phần bù đắp các khoản hụt thu do một số chính sách thuế thay đổi, Cục Thuế tỉnh đã triển khai các giải pháp như: Phối hợp với các chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án, Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ tiền thuế tạm nộp đối với những công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi giải ngân, thanh toán; cưỡng chế khấu trừ tiền gửi tài khoản ngân hàng; cưỡng chế đình chỉ sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp nợ thuế... Bên cạnh đó, đơn vị còn giao chỉ tiêu thu nợ cho từng chi cục thuế; công khai tên những doanh nghiệp, cá nhân chây ỳ nộp thuế trên Website của ngành, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với cách làm trên, trong 9 tháng qua, Cục Thuế tỉnh đã xử lý bù các khoản hụt thu vào ngân sách được trên 70 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế còn xử phạt và truy thu thêm được trên 9,3 tỷ đồng.

Thời gian từ đây đến cuối năm không còn nhiều, do vậy, để xử lý, thu hồi nợ đọng thuế đạt hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017, ngành Thuế đang chỉ đạo các đơn vị, chi cục thuế các huyện, thành phố tập trung đôn đốc thu nợ; cưỡng chế xử lý thu hồi nợ đọng tiền thuế, đặc biệt là các khoản phải nộp ngân sách theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014–2016. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bằng việc giám sát hồ sơ khai thuế và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phân tích, xác định lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao để tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu, gian lận thuế. Mặt khác, đơn vị còn thực hiện nghiêm việc phạt nộp chậm tiền thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo đúng quy định để hạn chế gia tăng các khoản nợ mới.

Ngoài các giải pháp kể trên, ngành Thuế còn duy trì Tổ tiếp nhận và xử lý vướng mắc của doanh nghiệp tại cơ quan thuế các cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường rà soát nguồn thu, thực hiện giám sát kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh bất động sản..., nhằm kịp thời phát hiện, thu đúng, thu đủ các khoản thuế phải nộp. Tiếp tục phối hợp với Báo Ninh Thuận, Đài PT&TH tỉnh tuyên truyền, phổ biến những nội dung quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, giúp người nộp thuế biết, hiểu để chấp hành nộp thuế đúng hạn. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên khâu lưu thông; chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, trong hoàn thuế GTGT... Phấn đấu đến cuối năm, khống chế tỷ lệ nợ thuế không vượt quá 5% trên tổng số thu ngân sách.