Đề cao cảnh giác trong tháng cao điểm của mùa mưa lũ

(NTO) Mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bắt đầu từ tháng 9 hàng năm. Chỉ tính riêng trong tháng đầu của mùa mưa lũ năm 2017, đã xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; với tổng lượng mưa phổ biến từ 60-160mm, vài nơi cao hơn như: Tại Phước Bình lượng mưa đo được 392.5mm, tại Sông Pha lượng mưa đo được 460mm.

Mực nước trên các sông suối trong tỉnh vào các thời kỳ trong tháng duy trì cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN); trên Sông Cái tại Tân Mỹ đã xuất hiện 9 trận lũ ở mức xấp xỉ báo động (BĐ) I trở lên, trong đó có 2 trận trên BĐ II; trên Sông Lu tại Phước Hà vào thời kỳ nửa cuối tháng 9-2017 dao động ở mức xấp xỉ BĐI.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9-2017, tổng dung tích các hồ chứa đã đạt 77,7% so với tổng dung tích thiết kế, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; trong tháng một số hồ đã phải điều tiết xả lũ như: Tân Giang, Trà Co, Sông Sắt.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, vào các thời kỳ trong tháng 10-2017 có mưa rải rác ở nhiều nơi; thời kỳ đầu và cuối tháng có ngày có mưa vừa đến mưa to. Tổng lượng mưa tháng ở mức xấp xỉ TBNN, vùng ven biển từ 150-250mm, vùng núi mưa từ 200-300mm, vùng giáp tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa lượng mưa cao hơn.

Mực nước trên các sông suối vào các thời kỳ trong tháng 10-2017 phổ biến duy trì cao hơn TBNN và khả năng xuất hiện khoảng 10 trận lũ ở mức xấp xỉ BĐI trở lên, trong đó có thể có từ 1-2 trận lũ xấp xỉ BĐIII; chú ý đề phòng nguy cơ lũ cục bộ, lũ quét sạt lở đất ở vùng núi và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, đề cao cảnh giác trong tháng cao điểm của mùa mưa lũ năm nay. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết tại địa phương và các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm chủ động trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.