Ninh Sơn phát huy vai trò làm chủ của phụ nữ

(NTO) Huyện miền núi Ninh sơn có 7 xã và 1 thị trấn, gồm 61 thôn, khu phố, trong đó có 18 thôn đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện trên 83.560 người với 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong số này có gần 50% là nữ. Với lực lượng nữ khá “hùng hậu” đó, những năm qua, huyện Ninh Sơn đã có nhiều cách làm thiết thực để phát huy vai trò của phụ nữ không những trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, mà còn là “điểm tựa” vững chắc để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo đồng chí Lê Văn Chín, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ninh Sơn, huyện luôn xác định công tác phụ nữ là hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị, đặc biệt, sau khi quán triệt tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động số 140-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy, ngày 20-6-2008, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IX) đã ban hành Chương trình hành động số 73-CTHĐ/HU để cụ thể hóa việc thực hiện. Qua 10 năm đưa Nghị quyết nêu trên vào cuộc sống, các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực trong học tập, sáng tạo trong lao động, công tác, thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá-xã hội, quốc phòng- an ninh, góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển kinh tế-xã hội huyện nhà. Vị thế của phụ nữ từng bước được khẳng định và nâng cao trong xã hội.

Lãnh đạo Huyện ủy Ninh Sơn tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích
xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo ghi nhận của chúng tôi, kết quả nổi bật trong thời gian qua, đó là các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò làm chủ của phụ nữ thông qua làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác cán bộ luôn được các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở quan tâm đúng mức, số lượng cán bộ nữ đưa vào diện quy hoạch ngày càng tăng. Hầu hết cán bộ lãnh đạo nữ đều được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện chiếm 15%; cấp xã, thị trấn đạt 21,3%, tăng 6% so với nhiệm kỳ trước. Về chuyên môn, nghiệp vụ đã có 44,44% cán bộ nữ được cử đi học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Công tác phát triển đảng viên nữ được các cấp ủy đảng, quan tâm. Qua 10 năm đã kết nạp được 315 nữ/760 đảng viên trong toàn huyện, chiếm 41,45%, nâng tổng số đảng viên nữ toàn huyện lên 588/1.540 đảng viên, đạt 38,2%. Số đảng viên nữ mới kết nạp đa số trẻ, có trình độ và năng lực, phát huy tính tiền phong, gương mẫu và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều cũng rất đáng ghi nhận nữa là về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã đạt hiệu quả thiết thực. Đồng chí Trương Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Ninh Sơn, cho biết: Hội đã hướng dẫn hội viên xây dựng gia đình theo tiêu chí “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng 4 phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội phát động. Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở được tăng cường, nhất là trên lĩnh vực hôn nhân gia đình. Từ năm 2013 đến nay, để giúp phụ nữ lánh nạn khi bị bạo lực, Hội đã xây dựng được 41 địa chỉ tin cậy tại 8 xã, thị trấn. Nhờ đó, đã giúp được 32 nữ bị bạo hành đến tạm lánh, đồng thời, Hội đã đến tận gia đình để hòa giải, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, mặt khác, tìm cách giúp đỡ cho gia đình nếu gặp khó khăn. Qua các hoạt động thiết thực đó đã góp phần ngăn chặn, phê phán các hành vi bạo lực gia đình, xâm phạm nhân phẩm phụ nữ, các tập tục lạc hậu trong hôn nhân, từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình cũng được đẩy mạnh, nhiều mô hình giúp phụ nữ nghèo được duy trì và phát triển sâu rộng trong cộng đồng như mô hình nuôi heo đen nái nhân giống; mô hình tín chấp cho hội viên mua phân, giống; mô hình góp vốn nội lực... Các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế đã thực sự đem lại hiệu quả, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo của huyện. Đồng chí Trương Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, cho biết thêm: Trong 10 năm qua, Hội Phụ nữ các cấp đã giúp trên 95% phụ nữ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay, qua đó, đã giúp 734/3.129 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 3,29% (năm 2016). Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp đào tạo nghề cho hơn 2.015 lao động nữ nông thôn, qua đó, giải quyết việc làm cho 1.084 lao động nữ.

Về định hướng trong thời gian tới, đồng chí Lê Văn Chín, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Phương hướng chung của huyện là tiếp tục phát huy những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Hội Phụ nữ các cấp cần đổi mới nội dung phương thức hoạt động và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm, đó là nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng, thực hiện tốt chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.