Nông dân Ninh Hải - Điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế gia đình

(NTO) Hội Nông dân (HND) huyện Ninh Hải có 8.291 hội viên (HV), sinh hoạt ở 9 chi hội. Thời gian qua, cùng với việc đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, HND huyện còn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

Với lợi thế của một huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là trong việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Bên cạnh đó, diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện cũng khá rộng trên 6.000 ha, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Để giúp HV khai thác hiệu quả thế mạnh này, các cấp HND trong huyện tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể như: Phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn, hội thảo, hướng dẫn khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản; mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn; lập các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và vay vốn ngân hàng để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế ở các xã, thị trấn trên địa bàn.

 
Cây hành lá mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Ảnh: Hồng Lâm

Với sự giúp đỡ tích cực của các cấp HND như đã nói trên, đến nay nhiều HV đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình mới, nâng cao thu nhập. Trong đó, nổi bật là các mô hình sản xuất muối thương phẩm, trồng rong sụn, nuôi cá bóp, trồng măng tây xanh, trồng và bảo quản hành giống sau thu hoạch, chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng nho, táo… Đơn cử như hộ anh Nguyễn Thanh Khỏe, thôn Mỹ Tường 1 (xã Nhơn Hải) có 3 sào đất trồng hành. Nhờ tham gia Dự án trồng và bảo quản hành giống sau thu hoạch, do HND xã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai, nên sản phẩm hành giống sau khi thu hoạch của gia đình luôn được bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, không bị thối củ, tạo ra sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng lựa chọn, giá bán cao hơn so với trồng hành thủ công như trước đây.

Phong trào giúp nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình được các cấp HND quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, việc làm thiết thực nhất là các HV có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế hiệu quả. Những hộ có kinh tế khá giả tự nguyện giúp đỡ từ 1-2 hộ khó khăn về vốn, giống cây, con giống để họ có thêm điều kiện làm ăn. Ngoài ra, Hội còn vận động các HV thành lập Quỹ tiết kiệm cho hộ nghèo, cận nghèo vay với lãi suất thấp; liên kết với các tổ chức tín dụng giải quyết vốn vay cho nông dân. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, các cấp Hội đã liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giải ngân vốn trên 2,5 tỷ đồng cho 4.271 hộ vay, nâng tổng dư nợ hiện nay hơn 125 tỷ đồng; đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với tổng dư nợ đến nay đạt gần 58 tỷ đồng/2.717 hộ vay. Phát huy tích cực nguồn vốn vay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng măng tây xanh kết hợp với tưới nước tiết kiệm của ông Diệp Bảo Thu ở thôn An Xuân 3 (xã Xuân Hải) cho thu nhập mỗi ngày gần 700 ngàn đồng; mô hình sản xuất muối thương phẩm của ông Bùi Văn Viên ở thôn Khánh Nhơn (xã Nhơn Hải) đem lại thu nhập ổn định trên 400 triệu đồng/năm…

Ông Trần Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch HND huyện Ninh Hải, cho biết: Để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho HV, thời gian tới, Hội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền HV, nông dân lựa chọn các giống, cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất, đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; chú trọng các hoạt động tập huấn, hỗ trợ vốn vay… góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.