Tục rước y trang trong Lễ hội Katê

(NTO) Nghi thức đón rước y trang là một trong những nghi thức quan trọng trong Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Hàng trăm năm qua, để giữ “hồn” cho Lễ hội Katê, đồng bào Raglai xã Phước Hà (Thuận Nam) đã cất giữ y trang một cách trang trọng, không bị thất lạc.

Anh Bá Minh Truyền, cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Người Chăm có câu thành ngữ “Chăm sa-ai Raglai adei”, nghĩa là người Chăm là chị cả, còn người Raglai là con gái út trong gia đình. Theo truyền thuyết, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa, người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh.

Y trang được đồng bào Raglai cúng trước khi rước xuống Lễ hội Katê thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, người Raglai có hai tộc họ đang giữ y trang và một tộc họ giữ những đồ vật bằng đồng như ly, chén... để phục vụ trong việc rước y trang cũng như cúng đầu năm của làng. Đồng bào Raglai xã Phước Hà không nhớ chính xác từ khi nào tổ tiên mình đã giữ y trang của đồng bào Chăm thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước). Bà Tâu Xá Thị Nhân, ở thôn Giá, là thành viên của một trong hai tộc họ còn giữ y trang của đồng bào Chăm, chia sẻ: Lâu lắm rồi, không nhớ rõ, chỉ biết tộc họ tôi đã giữ y trang được ba đời nay. Chỉ biết rằng, theo tục lệ, y trang sẽ truyền lại cho con gái trong tộc. Bởi lẽ có điều này là do đồng bào Raglai theo chế độ mẫu hệ, vì vậy mọi tài sản của tổ tiên sẽ được để lại cho người con gái trong gia đình cất giữ.

Để có thêm thông tin về việc cất giữ y trang của các tộc họ đồng bào Raglai, chúng tôi gặp và được ông Chamaléa Ơi, người cúng lễ y trang, cho biết: Chưa ai biết được về thời gian đồng bào Raglai Phước Hà giữ y trang, nhưng hiện nay đang có hai tộc họ giữ y trang, đó là tộc họ Chamaléa và Patâu Axá, còn giữ những đồ vật cúng trong nghi lễ rước y trang là tộc họ A Né. Thời gian trôi qua, tộc họ Patâu Axá đã đổi thành tộc họ Tâu Xá. Riêng tộc họ A Né, trước đây là tộc họ người buôn bán, qua hàng thế kỷ, tộc họ này đã gìn giữ những đồ vật trong nghi thức cúng y trang, cũng như trong nghi lễ cúng đầu năm của đồng bào Raglai ở Phước Hà. “Trước giờ rước y trang từ thôn Giá về Hữu Đức, việc cúng y trang sẽ được tiến hành tại hai nhà tộc họ đang giữ y trang, nhưng chỉ có y trang của tộc họ Tâu Xá được rước đi. Vì người Raglai cho rằng, nếu như y trang của tộc họ kia mất đi hoặc bị rách cũ, thì có y trang của tộc họ còn lại thay thế”-ông Chamaléa Ơi cho biết thêm.

Chuẩn bị đón Lễ hội Katê, trở lại làng Chăm Hữu Đức, chúng tôi nhận thấy cảnh nhộn nhịp và tất bật trong thôn, mọi người đều dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp và đang luyện tập văn nghệ... để chuẩn bị rước y trang từ Phước Hà về làng.

Y trang không những được tái hiện trong Lễ hội Katê của làng Chăm Hữu Đức, mà còn xuất hiện trong nghi thức cúng đầu năm của đồng bào Raglai ở Phước Hà. Ông Chamaléa Ơi giải thích thêm: Y trang phải “có mặt” trong nghi lễ, đây là quy định của tổ tiên từ xưa để lại cho con cháu đồng bào Raglai. Tại đây, các tộc họ sẽ đem y trang ra phơi, kiểm tra y trang có bị cũ, hư hỏng và báo lại cho Ban phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm ở Hữu Đức biết để may hoặc bổ sung y trang trước ngày diễn ra Lễ hội Katê.

Nói đến việc cất giữ, bảo quản y trang, ông Chamaléa Ơi và những người trong tộc họ Chamaléa, Tâu Xá đều bộc bạch: Hiện nay, những ngôi nhà cất giữ y trang đang xuống cấp, nên việc bảo quản y trang gặp khó khăn. Cùng với đó, việc phải vận chuyển y trang và những đồ vật dụng cúng đến lần lượt ba tộc họ trong nghi lễ cúng đầu năm của làng gây khó khăn và mất thời gian... Vì vậy, đồng bào Raglai Phước Hà mong muốn được xây dựng một ngôi nhà cố định để cất giữ y trang và những vật dụng cúng y trang. Qua đó sẽ dễ dàng thực hiện nghi thức cúng đầu năm và dần khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Và điều quan trọng hơn, khi y trang được cất giữ cẩn trọng thì Lễ hội Katê sẽ được giữ “hồn” một cách đúng nghĩa.