Thế giới trong tuần

1. Trong tuần thông tin nổi bật, đó là Liên hợp quốc kêu gọi các bên ở Libya chấm dứt bạo lực. Ngày 10-10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi Chính phủ Libya và các phe phái đối lập chấm dứt đối nghịch, bạo lực, nối lại đàm phán và cùng hợp tác trước khi diễn ra các cuộc tổng tuyển cử nhiều hy vọng sắp tới.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao gồm 15 thành viên, đã ủng hộ hoàn toàn kế hoạch của Đặc phái viên của Liên hợp quốc ở Lybia, ông Ghassan Salame (Gát-xan Xa-la-mê) về tiến trình đàm phán tái lập hòa bình, phân chia quyền lực và các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống Lybia, dự kiến tổ chức vào tháng 7-2018. Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khuyến khích tất cả mọi người Libya hợp tác cùng nhau trong tinh thần thỏa hiệp và tham gia tích cực vào tiến trình chính trị toàn diện. Theo kế hoạch của ông Salame, các bên ở Libya cần soạn thảo, xây dựng Hiến pháp mới và được đưa ra trưng cầu dân ý nhằm mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Nhân dịp này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh, kinh tế và các hoạt động nhân đạo đang xấu đi ở Libya, đồng thời tái cam kết ủng hộ tiến trình tái lập hòa bình, ổn định an ninh và thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc nhằm cải thiện điều kiện sống của mọi người dân Libya, bao gồm cả người di cư. Đặc biệt, Liên hợp quốc cũng lo ngại về mối đe dọa khủng bố, tình trạng di cư bất hợp pháp và nạn buôn bán người tại quốc gia Bắc Phi này.

2. Thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là Anh tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) đã tái khẳng định cam kết của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) đã ký năm 2015.

Theo tuyên bố từ Văn phòng của Thủ tướng May, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà May đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Anh đối với thỏa thuận này cùng với các đối tác châu Âu, cho rằng thỏa thuận này vô cùng quan trọng đối với an ninh khu vực. Nhà lãnh đạo Anh tuyên bố điều quan trọng là thỏa thuận này phải được giám sát chặt chẽ và được tuân thủ đầy đủ.

Về phần mình, Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để buộc Iran chịu trách nhiệm về những hành động mà Mỹ cho là gây bất ổn của mình, đặc biệt là việc hậu thuẫn khủng bố và phát triển chương trình tên lửa mang tính đe dọa.

Hồi tháng 7-2015, Iran và Nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó Tehran phải ngừng chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào tháng 1-2017, tức một năm sau khi JCPOA có hiệu lực, Tổng thống Trump cho rằng "đây là thỏa thuận tồi tệ nhất từng thấy" và tìm lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận. Cứ sau 90 ngày, Quốc hội Mỹ yêu cầu Tổng thống xác nhận về việc tuân thủ thỏa thuận của Iran. Lần xác nhận tiếp theo sẽ là ngày 15-10. Tuy nhiên, ông Trump đã nêu rõ rằng ông không muốn xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, bất chấp khuyến nghị từ một số cố vấn thân cận nhất. Theo luật pháp Mỹ, nếu Tổng thống không xác nhận, Quốc hội sẽ có 60 ngày để quyết định có áp đặt lại các lệnh trừng phạt trước đây đã dỡ bỏ theo thỏa thuận trên hay không.

3. Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tám của bang Washington. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh vừa có chuyến thăm làm việc tại tiểu bang Washington, làm việc với ban lãnh đạo Tập đoàn Boeing, tọa đàm với đại biểu cộng đồng doanh nghiệp thành phố Seattle và vùng phụ cận.

Tại cuộc gặp Thống đốc bang Washington Jay Inslee ngày 9-10, Đại sứ Phạm Quang Vinh thông báo những bước tiến triển mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5-2017 và việc chuẩn bị chuyến thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) của Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới. Hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực và nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ các mặt trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân…

Thống đốc Jay Inslee thông báo tình hình phát triển của bang Washington, cũng như chính sách coi trọng mở rộng giao thương quốc tế, hướng mạnh sang khu vực châu Á, coi trọng Việt Nam - đối tác hiện đã và đang có nhiều hợp tác với bang.

Bang Washington nằm ở phía Tây Bắc của Hoa Kỳ với 7 triệu dân, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 đạt 469 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 64.000 USD/năm, cao thứ 10 trong 50 bang của Hoa Kỳ. Tại bang Washington có trụ sở chính của một số công ty lớn như Boeing, Microsoft, Amazon, Starbucks, Costco... Bang có thế mạnh về nông nghiệp với 37.000 trang trại, 160.000 nhân công trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, đóng góp 13% GDP. Các sản phẩm truyền thống gồm táo, sữa, lúa mỳ, khoai tây, anh đào, hải sản; sản xuất rượu vang (chỉ đứng sau bang California).

Bang Washington là cửa ngõ giao thương quan trọng của Hoa Kỳ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 75 cảng biển, 139 sân bay và 3.666 km đường sắt. Đây là bang xuất khẩu lớn thứ tư ở Mỹ và 1/3 số việc làm của bang gắn với xuất khẩu. Năm 2016, bang xuất khẩu 79 tỷ USD và nhập khẩu 47 tỷ USD. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tám vào bang Washington, đạt 983 triệu USD trong năm 2016. Việt Nam cũng đứng thứ hai trong các nước cử nhiều sinh viên nhất sang học tập tại bang Washington.