Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ

(NTO) Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 14-11-2016 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 36/2017/NQ-HĐND ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh về Huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn đến năm 2020, ngày 27-9-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1858/QĐ-UBND để triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết này.

Những năm qua, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Chỉ riêng trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh huy động được 33.155 tỷ đồng từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động sự đóng góp của các tổ chức và Nhân dân xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng KT-XH trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện; các dự án quan trọng về giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trụ sở làm việc, cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân.

Công trình Đập hạ lưu sông Dinh được huy động xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ cấp bách.
Ảnh: Xuân Bính

Quyết định số 1858/QĐ-UBND đưa ra với mục tiêu phấn đấu từ đây đến năm 2020, tổng vốn huy động khoảng 27-28 nghìn tỷ đồng, gồm các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương, ODA, BT, BOT, PPP, xã hội hóa và huy động khác để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cấp thiết về giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với phát huy hiệu quả công trình hạ tầng hiện có, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 6 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (Tp Phan Rang-Tháp Chàm), 1 đô thị loại IV (thị trấn Tân Sơn) và 4 đô thị loại V (thị trấn Phước Dân, Khánh Hải, Lợi Hải, Phước Đại); mật độ đường giao thông đạt 0,42km/km2; năng lực tưới đạt 60% diện tích đất nông nghiệp; có 50% số trường phổ thông và 20% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 90% xã phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trở thành tỉnh nằm trong nhóm trung bình khá của khu vực duyên hải miền Trung.

Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, thu hút các nhà đầu tư để huy động tối đa, bố trí sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Chủ động đề xuất thể chế, cơ chế chính sách mang tính thiết thực; đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Hoàn thiện quy hoạch theo hướng động và mở, nhưng đảm bảo nhất quán để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận lựa chọn địa điểm, lĩnh vực và yên tâm đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án triển khai không đúng tiến độ. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng do bộ, ngành Trung ương đầu tư tại địa bàn, và ưu tiên nguồn vốn ngân sách để hoàn thành các dự án trọng điểm, tạo sự lan tỏa, tạo động lực thu hút các nguồn lực đầu tư tư nhân, nước ngoài…

Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh; trong đó, chú trọng các nguồn lực về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự phòng và vốn các nguồn kết dư, vốn hỗ trợ cấp bách…Tăng cường công tác quản lý đất đai, thu ngân sách, nhất là các nguồn từ quỹ đất đô thị, quỹ đất 2 bên các tuyến đường giao thông để tạo nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tầng lớp Nhân dân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH theo hình thức xã hội hóa, đối tác công-tư…

Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với sự nghiệp phát triển KT-XH, nhất là trong điều kiện kinh tế của tỉnh cón nhiều khó khăn như hiện nay. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng tình ủng hộ, tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thu hút và huy động nguồn lực đầu tư, nhất là trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, căn cứ kế hoạch cụ thể của Quyết định số 1858/QĐ-UBND, UBND tỉnh cũng giao giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể hoặc bổ sung chương trình, kế hoạch hành động của sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU và Nghị quyết số 36/2017/NQ-HĐND về huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giao thông, thủy lợi, đô thị, giáo dục, y tế giai đoạn đến năm 2020.