Các làng Chăm mừng đón Lễ hội Katê

(NTO) Các làng Chăm trên địa bàn tỉnh đang nô nức đón mừng Lễ hội Katê 2017 chính thức diễn ra vào ngày 19- 10. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tưởng nhớ công ơn tổ tiên và cầu mong mưa thuận gió hòa, sản xuất nông nghiệp được mùa.

Đặc biệt, tỉnh ta tổ chức công bố Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về làng Chăm Thành Ý, thuộc xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chúng tôi gặp đồng bào Chăm địa phương ra đồng chăm sóc lúa vụ mùa mơn mởn lên xanh. Nhiều gia đình sơn sửa mới nhà cửa chuẩn bị đón Lễ hội Katê. Ông Châu Kim Mỹ, Trưởng Ban quản lý thôn Thành Ý cho biết: Bà con tập trung xuống giống dứt điểm lúa vụ mùa vào cuối tháng 9. Lúa vụ hè - thu được mùa, giá cả ổn định giúp nông dân có thu nhập sửa sang nhà ở khang trang, mua sắm vật phẩm cúng kính tổ tiên. Chi hội Phụ nữ đang luyện tập chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca múa truyền thống tạo không khí vui tươi cho mùa lễ hội. Ban Quản lý thôn phối hợp với Ban phong tục tổ chức cho bà con vui đón lễ hội Katê trên tinh thần đầm ấm, vui tươi, tiết kiệm và an toàn.

Đồng bào Chăm thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận (Ninh Phước)
mua sắm quần áo cho con cháu mừng đón Katê 2017.

Thôn Thành Ý, hiện có 351 hộ, với gần 900 nhân khẩu đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Đời sống của người dân địa phương dựa vào nguồn thu nhập từ 110 ha ruộng lúa kết hợp chăn nuôi gia súc. Nông dân nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng hoàn toàn thiết bị cơ giới vào sản xuất từ làm đất đến thu hoạch, vận chuyển nông sản. Nông dân Thành Ý đầu tư mua sắm 9 chiếc máy gặt đập liên hợp và 8 chiếc máy cày lớn. Các nông hộ liên kết thành lập tổ dịch vụ làm đất, thu hoạch phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của bà con trong thôn. Các nông hộ Hán Chiến, Thuyết Minh Phương, Nguyễn Tuyến… là những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu nêu gương sáng cho nông dân địa phương noi theo.

Chia tay thôn Thành Ý, chúng tôi đến với làng Chăm Hiếu Lễ, thuộc xã Phước Hậu (Ninh Phước). Nông dân địa phương tập trung đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước Hậu nhận phân bón chăm sóc cây lúa vụ mùa vừa xuống giống với diện tích 210 ha. Đây là thôn tiêu biểu góp phần cùng nhân dân xã Phước Hậu xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang tạo nên diện mạo nông thôn mới vùng đồng bào Chăm phát triển hiện đại. Các gia đình Dương Thị Ngọc Lan, Vạn Thị Công, Lộ Dương… đã tự nguyện hiến đất thổ cư mở rộng đường nội thôn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Các nông hộ Nại Thành Phụ, Trượng Văn Bưởi, Đàng Năng Thịnh… là những “kiện tướng” thâm canh lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cánh đồng lớn vụ hè - thu đạt năng suất 9-10 tạ/sào. Anh Hán Ánh, Trưởng Ban quản lý thôn Hiếu Lễ, chia sẻ: Vụ hè - thu vừa qua, bà con thôn Hiếu Lễ thực hiện thắng lợi mô hình cánh đồng lớn với diện tích 53 ha. Vụ mùa có 144 hộ tham gia sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, với diện tích 100 ha. HTX hướng dẫn kỹ thuật canh tác và ứng trước vật tư cho bà con chăm sóc cây lúa sinh trưởng tốt. Năm nay làm ăn thắng lợi giúp bà con nô nức mừng đón Katê 2017 trong tinh thần đầm ấm, vui tươi.

Đến thăm Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Cả sư Bàlamôn, ngồi giữa ngôi nhà mới xây dựng khang trang, ông bày tỏ niềm vui: Năm nay, bà con dân tộc Chăm đón mừng Katê phấn khởi lắm. Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước chăm lo bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm. Đời sống nông dân ngày càng no ấm nhờ thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới. Tôi vận động bà con đón mừng Katê với tinh thần tiết kiệm, dành dụm vốn liếng đầu tư sản xuất, đóng góp cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng thôn xóm ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực chào mừng Lễ hội Katê 2017. Ngoài phần lễ theo nghi thức truyền thống, phần hội gồm các hoạt động tổ chức lễ công bố và đón nhận “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hội thi văn nghệ dân gian và biểu diễn trang phục dân tộc Chăm tại Hiếu Lễ; Hội thi tay nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; Hội thi tay nghề làm gốm Bàu Trúc; Hội thi thể thao dân gian. Lễ hội Katê là dịp quảng bá, xúc tiến du lịch văn hóa và du lịch tâm linh, góp phần phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó tạo không khí sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương.