Thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu

Sau một năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) đã và đang tạo tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ kinh tế -thương mại giữa các nước.

* Các con số ấn tượng

VN-EAEU FTA được khởi động đàm phán vào tháng 3-2013; được ký chính thức vào ngày 29-5-2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10-2016. Bộ Công Thương cho biết, sau một năm có hiệu lực, hiêp định thương mại này đã góp phần tăng trưởng xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam cũng như EAEU.

Theo cam kết tại VN-EAEU FTA, về tổng thể hai bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương hiện tại, sẽ là cơ sở để thương mại song phương Việt Nam-Liên bang Nga có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn thời gian tới. Ngoài ra, hai bên cam kết gia tăng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững... nhằm thuận lợi hóa tối đa thương mại giữa hai bên.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%. Về tổng thể, Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Những số liệu sơ bộ của 8 tháng đầu năm 2017 cho thấy, thương mại giữa Việt Nam và khối EAEU đang tiếp tục tăng trưởng. Riêng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng trên 29% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 37%, xuất khẩu của Liên minh tăng 18%.

Tính đến cuối tháng 7-2017, Việt Nam đã cấp 9.908 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O EAV) cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU với tổng kim ngạch đạt 354,3 triệu USD, chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ khi Việt Nam-EAEU FTA có hiệu lực cho đến nay, các dòng hàng nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam có xu hướng tăng. Trong 3 tháng cuối năm 2016, có 25 dòng hàng có kim ngạch nhập khẩu theo Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EAV với tổng kim ngạch khoảng 44 triệu USD, tương đương khoảng 12% của tổng kim ngạch nhập khẩu từ EAEU. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2017 các con số này đã tăng vọt lên 65 dòng hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 305 triệu USD, tương đương trên 23%. Các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là lúa mỳ, ngô, phân bón các loại, nhựa và các sản phẩm nhựa; giấy và các sản phẩm giấy, hợp kim nhôm; ô tô chở hàng…

Bộ Công Thương đánh giá, các con số ấn tượng trên đã chứng tỏ Việt Nam-EAEU FTA đã và đang tạo ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam cũng như 5 nước thành viên EAEU trong việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các ưu đãi từ FTA này. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng C/O EAV không cao (khoảng 20%).

Đáng lưu ý, mặc dù Liên bang Nga chiếm đến 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Liên bang Nga vẫn còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn như: các doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về thị trường Nga; xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là hàng nguyên liệu, hàng sơ chế, chưa có nhiều hàng có giá trị gia tăng, dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp; đồng ruble (rúp) mất giá và các biện pháp cấm vận của phương Tây với Nga gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thanh toán; khoảng cách giữa hai thị trường rất xa, tuyến đường vận tải xa làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa tương đồng của các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, hay Thái Lan…

* Thúc đẩy trao đổi thương mại

Để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EAEU, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách thương mại Ủy ban EAEU đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về thực thi VN-EAEU FTA.

Hai Bộ trưởng đánh giá các kết quả tích cực Việt Nam-EAEU FTA đã mang lại trong 7 tháng đầu tiên từ khi có hiệu lực, thống nhất phương hướng và các hoạt động hợp tác cụ thể cần được thực hiện trong thời gian tới trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Hai bên cũng thống nhất sẽ phối hợp xây dựng hệ thống chứng nhận và xác minh xuất xứ điện tử và hoàn thành trước cuối năm 2018, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tham vấn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xuất nhập khẩu nông-lâm-thủy sản và tăng cường trao đổi những mặt hàng này.

Theo chương trình hoạt động đã được thống nhất, trong thời gian tới, hai bên tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hai bên nắm bắt được thông tin về Việt Nam-EAEU FTA, tìm ra và tận dụng các cơ hội Hiệp định này mang lại, có các biện pháp hỗ trợ kịp thời về thông tin cho doanh nghiệp, tham vấn và chuẩn bị cho kỳ rà soát đầu tiên vào cuối năm 2019.

Đồng thời, hai bên tiếp tục ký kết các văn kiện song phương và đa phương, mở cửa thị trường hơn nữa nhằm tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia cho biết, dư địa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang liên minh còn rất lớn, đặc biệt là với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: nông sản, thủy sản, dệt may, da giày... Song để tận dụng được các ưu đãi này, các doanh nghiệp không chỉ cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mà còn phải quan tâm tới xuất xứ hàng hóa, cạnh tranh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật. Nếu bỏ qua các yêu cầu này, hàng nhập khẩu từ EAEU tràn vào Việt Nam sẽ ngày càng lớn.

Riêng về biện pháp để có thể cải thiện được kim ngạch xuất khẩu cũng như tăng cơ hội chiếm lĩnh thị trường Nga, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến nhân lực biết tiếng Nga, để đáp ứng đặc thù của thị trường Nga ít sử dụng tiếng Anh. Ngoài ra, xây dựng thương hiệu mạnh, tạo dựng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao cũng là nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp Việt.

Theo TTXVN