Thuận Nam nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(NTO) Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thuận Nam đề ra nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu là “siết chặt quản lý, đẩy mạnh thi đua, phát huy nội lực, tạo bước đột phá” để nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Đồng chí Nguyễn Bá Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam, cho biết: Hiện nay, quy mô trường, lớp của huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh (HS) với 31 trường, trong đó có 8 trường mầm non (MN), 16 trường tiểu học (TH), 7 trường THCS. Năm học 2017-2018, toàn huyện có 412 lớp, với 12.214 HS; cơ sở vật chất trường lớp không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các trường cụ thể hóa nhiệm vụ năm học, đề ra giải pháp tích cực, sát đúng với đặc điểm và tình hình HS của địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy; đẩy mạnh thi đua thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” nhằm thu hút HS, kéo giảm tình trạng HS bỏ học giữa chừng.

Giờ học môn Lịch sử các em HS lớp 8/5 Trường THCS Trương Văn Ly, xã Cà Ná.

Trên tinh thần đó, các trường đều xem phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt” gắn với đánh giá đúng thực chất năng lực của giáo viên (GV) và HS, không “chạy đua” với thành tích, xem đó là động lực để nâng cao chất lượng GD&ĐT, tạo uy tín cho nhà trường nên đã có nhiều giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả dạy và học. Trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với đối tượng HS trên địa bàn và tích cực phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi các môn văn hóa, năng khiếu và thể chất. Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ cán bộ, GV theo hướng chuẩn hóa được ngành xem là công tác trọng tâm. Mỗi cán bộ, GV luôn ý thức việc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sự phạm là yêu cầu của bản thân. Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã diễn ra sôi nổi trong toàn ngành, thực sự tạo nên một “cú huých” đổi mới về chất và lượng. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ GV đạt chuẩn là 13,6%, tỷ lệ GV trên chuẩn đạt 86,4%.

Đồng chí Nguyễn Bá Lợi cho biết thêm: Không chỉ năm học này mà các giải pháp trên đã được Phòng GD&ĐT huyện triển khai từ các năm học trước và đem lại những thành tích nhất định. Trong đó phải kể đến chất lượng GD được nâng lên rõ rệt; phong trào ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy được đẩy mạnh ở 100% đơn vị trường học; các cuộc thi sáng kiến dạy học dành cho GV cũng như các cuộc thi HS giỏi văn hóa, năng khiếu... ngày càng thu hút đông đảo GV và HS tham gia, mang về nhiều thành tích cao cho ngành GD&ĐT huyện; qua đó nhiều GV, HS trở thành “điểm sáng” trong thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, truyền cảm hứng học tập đến HS. Ngoài ra, huyện cũng duy trì tốt các tiêu chí đã đạt về phổ cập GDTH, THCS và phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Đơn cử trong năm học 2016-2017 vừa qua, toàn huyện có 100% HS TH hoàn thành chương trình; đối với THCS tỷ lệ HS khá, giỏi đạt 50,8% và tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,85%; tỷ lệ HS cấp TH bỏ học chiếm 0,08% và tỷ lệ HS cấp THCS bỏ học chiếm 1,3% trên tổng số HS toàn cấp (thấp hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh). Qua tổng kết phong trào thi đua năm học 2016-2017, huyện Thuận Nam có 2 cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và trong triển khai thực hiện “Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ MN”; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 cá nhân và 6 Tập thể Lao động xuất sắc và hơn 45 lượt tập thể, 590 lượt cá nhân được UBND huyện tặng giấy khen...

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời chủ động khắc phục khó khăn, hạn chế, trong năm học 2017-2018, huyện Thuận Nam tiếp tục bám sát 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành GD&ĐT đề ra và triển khai hiệu quả đến từng cấp học; đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/HU của Huyện ủy và Kế hoạch số 64/KH-UBND của UBND huyện về đổi mới công tác quản lý GD&ĐT, tạo sự đột phá về GD&ĐT trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020 mà huyện đã đề ra. Theo đó, đối với GDMN chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, GD trẻ theo phương châm lấy trẻ làm trung tâm, phấn đấu đủ cơ cấu về số lượng, chất lượng GV theo quy định. Đối với GD phổ thông tập trung tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng GD toàn diện; coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực HS; chú trọng GD đạo đức, lối sống, kỹ năng, ý thức trách nhiệm công dân của HS đối với cộng đồng, xã hội. Đối với GD thường xuyên, GD dân tộc đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, quan tâm xóa mù chữ; thúc đẩy việc học văn hóa các dân tộc nói chung và học đánh Mãla trong đồng bào Raglai Phước Hà nói riêng.