Ninh Phước: Chăm lo nâng cao đời sống đồng bào Chăm

(NTO) Ninh Phước là địa phương có đồng bào Chăm sinh sống tập trung đông nhất ở tỉnh ta. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi giúp đồng bào Chăm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).

Toàn huyện Ninh Phước hiện có 10.430 hộ đồng bào Chăm, với gần 49.000 người sinh sống tập trung ở 20 khu dân cư thuộc 7 xã, thị trấn. Đến với các làng Chăm vào những ngày đầu tháng 10, chúng tôi ghi nhận cuộc sống của người dân địa phương ngày càng khởi sắc. Các xã vùng đồng bào Chăm đạt chuẩn NTM như Phước Hậu, Phước Thái, Phước Thuận có môi trường xanh - sạch - đẹp với nhiều mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các cơ sở giáo dục và y tế được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Chăm. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ kín, phục vụ sản xuất và sinh hoạt nhân dân. Từ nguồn vốn Chương trình 167 của Chính phủ đã hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 446 hộ đồng bào Chăm cải thiện nhà ở; chương trình cạnh tranh nông nghiệp đã đầu tư 22,7 tỷ đồng xây dựng chợ, bê tông giao thông nội đồng, nội thôn ở các xã Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu và An Hải…

Du khách tham quan, mua sắm tại Làng nghề Gốm Bàu Trúc.

Đời sống của đồng bào Chăm huyện Ninh Phước dựa vào nguồn thu nhập từ 2.910 ha ruộng lúa chủ động tưới, 1.156 ha đất trồng hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc và sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Cấp ủy và chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện chương trình về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Theo đó, các xã vùng đồng bào Chăm đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đạt năng suất trên 7 tấn/ha, tăng thêm lợi nhuận 3,7 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái với diện tích 190 ha, tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, với diện tích 40 ha, lợi nhuận tăng thêm 7,2 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà. Đồng bào Chăm xã An Hải trồng mới 20 ha măng tây xanh theo mô hình VietGAP cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm...

Nhà nước đầu tư trên 26 tỉ đồng xây dựng hệ thống đường, điện, nhà trưng bày sản phẩm các làng nghề truyền thống Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ thuộc thị trấn Phước Dân tạo nên diện mạo tươi mới vùng đồng bào Chăm. Làng Gốm Bàu Trúc hiện có 1 HTX, 9 cơ sở, 150 hộ sản xuất các mặt hàng gốm với doanh thu 10 tỷ đồng/năm, thu nhập lao động 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng. Làng Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có 1 HTX, 22 cơ sở, 500 hộ gắn bó với nghề truyền thống doanh thu 15 tỷ đồng/năm, thu nhập lao động 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ninh Phước tiếp tục củng cố các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm gắn với thực hiện Đề án hỗ trợ tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Qua đó, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân các làng nghề truyền thống.

Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều chương trình đầu tư của Chính phủ, tạo động lực phát triển toàn diện đời sống vùng đồng bào Chăm. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân của người dân đạt 31,2 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5%; giải quyết việc làm mới cho 800 lao động; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; xây dựng xã An Hải đạt chuẩn NTM. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho bà con vui đón Lễ hội Katê 2017 đầm ấm, vui tươi, gắn với đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Katê và Nghệ thuật làm gốm làng Bàu Trúc.