Thỏa thuận hạt nhân Iran lâm vào thế khó

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 đang phải đối diện với một thử thách khó khăn khi vào ngày 15-10-2017 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải chứng thực trước Quốc hội mức độ tuân thủ thỏa thuận của Iran mà theo nhiều nguồn tin dự đoán thì ông Trump có thể sẽ không xác nhận điều này.

* Mỹ tìm cách sửa đổi JCPOA?

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết ngày 14-7-2015, theo đó, Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Đức) đã thông qua Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cho phép gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Đổi lại, Iran phải cam kết giới hạn chương trình hạt nhân của mình.

Theo quy định, cứ sau 90 ngày, Tổng thống Mỹ sẽ phải gửi thông báo tới Quốc hội, xác thực mức độ tuân thủ thỏa thuận của Iran và đánh giá xem JCPOA có thiết yếu với an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Cho đến nay, ông Trump đã hai lần công nhận Iran thực thi JCOPA, nhưng giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ sẽ có thể “làm khác đi” tại lần chứng thực tới vào ngày 15-10. Việc Tổng thống Trump có thể không xác nhận Iran tuân thủ JCOPA không có nghĩa là Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Trách nhiệm khi đó sẽ được chuyển sang cơ quan lập pháp. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày xem xét tái áp đặt cấm vận chống Iran - hành động được coi là chấm dứt JCPOA, ít nhất là từ phía Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng có thể Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận, hoặc đe dọa không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận là cách để gây áp lực buộc Iran và Nhóm P5+1 tái khởi động đàm phán. Một khả năng khác nữa là ông Trump sẽ lại chứng thực Iran không vi phạm nếu các bên đồng ý tìm kiếm các vòng đàm phán mới.

Trả lời báo chí ngày 20-9 vừa qua, Tổng thống Mỹ cho biết "đã có quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran”, nhưng không đề cập chi tiết. Ông cũng giấu kín thông tin khi được hỏi về quyết định này trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Anh Theresa May sau đó. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có các cuộc tiếp xúc với đồng cấp Iran Javad Zarif và các nước Nhóm P5+1. Ông Tillerson thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận về mặt kĩ thuật và tất cả các bên đều thống nhất với đánh giá này của các thanh sát viên quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Iran vi phạm tinh thần thỏa thuận “bằng các hoạt động gây bất ổn” không được đề cập trong JCPOA. Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận triển vọng thuyết phục các cường quốc khác và nhất là Iran xem xét lại thỏa thuận là rất khó khăn, nhưng lạc quan cho rằng có thể sẽ có bước tiến. Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Tillerson cho biết Tổng thống Trump muốn sửa đổi lại JCPOA, với hai điều khoản then chốt nhất là tăng thời hạn Iran đóng băng chương trình hạt nhân và kiểm soát chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran. Theo ông Tillerson, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng phải có một số thay đổi.

Tờ New York Times số ngày 21-9 đã có bài viết bình luận rằng thay vì từ bỏ như từng đe dọa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, với việc bổ sung thêm các điều khoản cứng rắn. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 20-9 đã tuyên bố JCPOA là vấn đề đã “đóng gói” đồng thời cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani.

* Những kịch bản xấu

Có không ít nhà phân tích lo ngại rằng Mỹ có thể đẩy Iran vào cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp theo. Chuyên gia cấp cao Ted Galen Carpenter của Viện CATO (Mỹ) nhận định, việc phe diều hâu tại Mỹ lấy vấn đề Triều Tiên ra làm cái cớ để xóa đi thỏa thuận hạt nhân với Iran là một hành động cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù phe diều hâu thường nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là thay thế thỏa thuận hiện tại bằng một thỏa thuận tốt hơn, mạnh hơn và có hiệu quả hơn để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran, nhưng nhiều người trong số họ cũng muốn châm ngòi cho hành động quân sự của Mỹ chống Iran. Đây thực sự là một hành động liều lĩnh. Việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân này mà không có phương án dự phòng chắc chắn sẽ gây leo thang căng thẳng không cần thiết trên khắp khu vực Trung Đông.

Ngay cả khi Mỹ tiếp tục chính sách cô lập Triều Tiên và không dùng đến chiến tranh thì việc áp dụng các chiến thuật tương tự đối với Iran sẽ gây ra những hậu quả còn tồi tệ hơn nhiều. Bởi Iran được xem là một nhà ngoại giao, quân sự và kinh tế quan trọng trên khắp Trung Đông - thậm chí cả ở Trung và Tây Nam Á. Là đại diện chính của dòng Hồi giáo Shi'ite, Iran có ảnh hưởng đáng kể ở các quốc gia như Iraq, Liban, Syria, Bahrain và Yemen. Việc cố gắng cô lập Iran đã và sẽ tiếp tục là một hành động vô ích. Và phát động một cuộc tấn công quân sự vào đất nước này sẽ gây ra một cuộc chiến thảm khốc ở Trung Đông. Đây là điều mà chính quyền Mỹ nên tránh bằng mọi giá.

Trên lĩnh vực kinh tế, những nỗ lực của Mỹ nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và việc châu Âu chấp nhận làm theo những biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng tới việc định hình cấu trúc năng lượng tương lai ở khu vực Âu Á. Theo đó, Iran sẽ nghiêng về phía Trung Quốc hơn là châu Âu trong việc phân bổ nguồn dư thừa khoảng 24,6 tỷ m3 khí đốt tự nhiên trong 5 năm tới. Iran được biết đến là quốc gia có nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và nguồn dự trữ dầu mỏ lớn thứ tư trên thế giới.

Theo các chuyên gia năng lượng, Iran sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn địa chính trị quan trọng cho thị trường xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của mình. Iran sẽ có thể xuất khẩu khí đốt đến hai trong số ba thị trường sau: một là EU/Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự án Hành lang khí đốt phương Nam tập trung ở tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolian của châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ; hai là Ấn Độ thông qua đường ống Iran-Oman-Ấn Độ và ba là Trung Quốc thông qua Turkmenistan hoặc Pakistan. Mỗi hệ thống dẫn dầu và khí đốt thuộc khu vực Âu Á nói trên sẽ chảy về EU hay Trung Quốc ở mức độ nhiều ít như thế nào phụ thuộc vào việc mỗi hệ thống giành được lượng khí đốt xuất khẩu chạy qua đường ống Caspia đến ba thị trường tương ứng nói trên ở mức độ như thế nào. Trong trường hợp châu Âu không thể phát triển mối quan hệ kinh tế với Iran, kể cả việc mở rộng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí đốt, có thể làm suy yếu những tính toán của Iran (đối với EU) để nghiêng về Trung Quốc.

Theo TTXVN