Cần quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng tỉnh ta

(NTO) Cùng với sự “bào mòn” của thời gian, hạn chế trong kinh phí đầu tư bảo tồn, tôn tạo nên nhiều di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp. Để những “địa chỉ đỏ” này thực sự phát huy được giá trị là nơi neo giữ, bồi dưỡng lòng yêu nước của người dân và thế hệ sau, rất cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức.

Tỉnh ta là vùng đất có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng, mang những giá trị độc đáo về văn hóa và lịch sử. Toàn tỉnh hiện có 149 di sản văn hóa, trong đó có 52 di sản văn hóa đã xếp hạng. Riêng loại hình DTLSCM có 11 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, Bẫy đá Pi Năng Tắc (xã Phước Bình, Bác Ái) được xếp hạng, công nhận là DTLSCM cấp quốc gia và 10 DTLSCM cấp tỉnh gồm: Đồn Tà Lú-Ma Ty và Núi Tà Năng (xã Phước Đại, Bác Ái), Núi Cà Đú (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), Núi Hòn Dồ (xã Nhơn Hải, Ninh Hải), Lăng Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải), Căn cứ CK7 (xã Nhị Hà, Phước Hà, Thuận Nam). Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có các di tích lịch sử như: Cây me Bảo An, số nhà 30 Nguyễn Du, nhà ông Nguyễn Hữu Hương (phường Bảo An), Đề-pô xe lửa Tháp Chàm (phường Đô Vinh). Ngoài ra, toàn tỉnh còn 10 DTLS chưa xếp hạng.

 
Di tích lịch sử cách mạng quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc (Bái Ái). Ảnh: Xuân Bính

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội đã ảnh hưởng đến sự tồn tại của hệ thống di tích. Từ năm 1992 đến nay, các DTLSCM cấp tỉnh vẫn chưa được chỉnh trang, tôn tạo theo phương án đưa ra từ hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng. Một số DTLSCM còn lại của tỉnh vẫn chưa có bia, đài tưởng niệm, biển thông tin, cũng như chưa được khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ. Một số di tích có vị trí phân bố trên không gian rộng lớn, nằm ở những địa điểm hiểm trở, khó tiếp cận để quản lý nên thời gian qua bị một số hộ dân chiếm dụng đất di tích để phục vụ mục đích cá nhân (như di tích lịch sử Cây me Bảo An, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).

Ông Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn DTLSCM hiện nay đó là vai trò quản lý nhà nước về di tích ở các địa phương còn mờ nhạt, chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn kinh phí để chỉnh trang, tôn tạo các DTLSCM không có, trong khi đó việc vận động nguồn kinh phí xã hội hóa vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực hiện Quyết định số 84/2014/QĐ-UBND, ngày 17-11-2014 của UBND tỉnh về quy chế quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị 04/CT-TU, ngày 15-6-2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, coi đây là giải pháp hữu hiệu bước đầu nhằm bảo tồn các giá trị về lịch sử, truyền thống cách mạng. Sở cũng đã đề xuất phương án phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Bẫy đá Pi Năng Tắc với tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ; khảo sát địa điểm xây dựng Tượng đài chiến thắng tại Du Long, nơi quân ta đập tan tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn từ xa của địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngoài ra, hiện nay, Sở đang xây dựng Đề án trùng tu chống xuống cấp di tích Ninh Thuận giai đoạn 2017-2025 để trình HĐND tỉnh phê duyệt; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc chỉnh trang, tôn tạo hệ thống DTLSCM, kể cả di tích đã xếp hạng và chưa xếp hạng.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm đầu tư đúng mức, các DTLSCM trên địa bàn tỉnh ta sẽ phát huy được giá trị là những “địa chỉ đỏ”, thu hút sự tham quan của du khách và người dân, qua đó nhằm bồi dưỡng lòng tự hào, truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước của người dân và các thế hệ mai sau.