Thế giới trong tuần

1. Thông tin nổi bật trong tuần, đó là Mỹ cam kết tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học đúng thời hạn. Ngày 28-9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Michelle L. Baldanza (Mi-sen Ba-đan-da) khẳng định việc Nga tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học tại nước này là “một mốc quan trọng” trong nỗ lực giải trừ quân bị. Bà Baldanza nhấn mạnh Mỹ chúc mừng Nga đã hoàn tất quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học. Đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kiểm soát và không phổ biến vũ khí của cộng đồng quốc tế, hướng tới một mục tiêu chung là một thế giới không còn vũ khí hóa học. 

Về phía Mỹ, bà Baldanza khẳng định Washington vẫn duy trì cam kết tiêu hủy kho vũ khí hóa học đã được công bố từ trước. Mỹ đang hoàn tất việc tiêu hủy đúng thời hạn tự đặt ra, muộn nhất là cuối năm 2023 tới. Bà cũng giải thích việc thay đổi thời hạn dự kiến hoàn tất việc tiêu hủy vũ khí hóa học trong các năm qua của Mỹ là do các thách thức kỹ thuật đối với vấn đề tiêu hủy chứ không phải nguyên nhân do thiếu hụt nguồn vốn. Theo bà Baldanza, tính đến nay, hơn 90% kho vũ khí hóa học của Mỹ đã được tiêu hủy. 

Nga và Mỹ cùng tham gia Công ước Vũ khí hóa học (CWC) vốn có hiệu lực từ năm 1997, theo đó, hơn 96% các kho vũ khí hóa học của 192 nước tham gia công ước sẽ bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). 

2. Vấn đề cũng rất đáng chú ý trong tuần đó là, tại cuộc họp báo kết thúc vòng đàm phán thứ 4 về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi là Brexit, các trưởng đoàn đàm phán của Anh và EU cho biết hai bên đã đạt được tiến bộ về những vấn đề then chốt, nhưng chưa phải là "tiến bộ đầy đủ" theo yêu cầu của EU để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo. 

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier (Mi-sen Bác-ni-ê) đánh giá rằng một "động lực mới" được mở ra ở vòng đàm phán thứ 4 này, sau diễn văn của Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa May) trình bày hôm 22-9 vừa qua. Ông Barnier nhấn mạnh dù EU đã hiểu được rõ ràng hơn các nội dung mà bà Thủ tướng Anh đề cập, nhưng các bên vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông Barnier cho biết sẽ cần đến vài tuần, thậm chí là vài tháng để cuộc đàm phán có thể đạt được những "tiến bộ đầy đủ" về các nguyên tắc cho “sự ra đi có trật tự” của nước Anh. Ông Barnier cũng cho biết ông đang tìm cách để tránh dẫn đến việc Anh rời khỏi EU mà hai bên không đạt được thỏa thuận nào. 

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Anh David Davis (Đa-vít Đa-vi) đánh giá đã có những "bước tiến quyết định" được thực hiện trong vòng đàm phán lần này. Ông cho biết Anh và EU đã đạt được những tiến bộ đáng kể về các vấn đề hai bên cùng quan tâm như quyền công dân, vấn đề biên giới với Ireland và đóng góp tài chính của Anh cho EU khi nước này rời khỏi ngôi nhà chung EU. Trưởng đoàn Anh nhấn mạnh với tinh thần “xây dựng” và “quyết tâm cao” mà cả hai bên đã tiến hành trong các cuộc đàm phán này, ông tin rằng đàm phán đã đạt được những bước đi quyết định trên các vấn đề then chốt. 

Trước đó, trong một dự thảo nghị quyết của Nghị viện châu Âu, các nghị sĩ đã kêu gọi lãnh đạo EU cần trì hoãn đưa ra quyết định về chuyển sang giai đoạn bàn thảo về vấn đề thương mại vào tháng 10. Nghị viện châu Âu kêu gọi Hội đồng châu Âu, trừ khi có một bước đột phá lớn trong 3 lĩnh vực trong vòng thứ 5 của cuộc đàm phán, xem xét việc hoãn đưa ra đánh giá về cuộc đàm phán đã "thực sự đạt được các tiến bộ đầy đủ" tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới. 

3. Khai trương tuyến vận tải đường bộ - đường sắt kết nối Đông Nam Á với châu Âu. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, tuyến vận tải kết hợp đường bộ và đường sắt mới kết nối khu vực Đông Nam Á với châu Âu thông qua thành phố Trùng Khánh (Chongqing) của Trung Quốc đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 28-9. 

Cũng trong ngày 28-9, trên 10.000 sản phẩm may mặc được sản xuất tại Việt Nam và vận chuyển tới thành phố Trùng Khánh bằng xe tải, đã được đưa lên chuyến tàu vận tải để đi tới thành phố Duisburg (Đui-xơ-buốc) của Đức. Đây là lần đầu tiên thành phố này hợp nhất vận tải đường bộ với các dịch vụ đường sắt kết nối tới châu Âu. Thời gian di chuyển trên tuyến đường này chỉ là 20 ngày, ít hơn 20 ngày so với hành trình trên tuyến vận tải biển. 

Trùng Khánh kể từ tháng 4-2016 đã chính thức đưa vào vận hành tuyến vận tải đường bộ kết nối với các nước Đông Nam Á để phục vụ các hoạt động xuất khẩu linh kiện ô tô và nhập khẩu hoa quả, gạo và gỗ. 

Theo chính quyền Trùng Khánh, thành phố này trong thời gian tới sẽ có 3 tuyến vận tải đường bộ kết nối với Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Trong đó tuyến Trùng Khánh - Việt Nam và Trùng Khánh - Thái Lan đã chính thức được đưa vào vận hành, còn tuyến Trùng Khánh - Yangon (Myanmar) đi qua tỉnh Vân Nam (Yunnan) đang trong quá trình xây dựng.