Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

(NTO) Với mục tiêu gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận đã trở thành địa chỉ tin cậy, được nhiều học viên, sinh viên (HVSV) trên địa bàn tỉnh lựa chọn.

Tốt nghiệp khóa X-2015, anh Mai Thành Lộc là một trong những học viên của trường có việc làm và thu nhập khá ngay khi ra trường, hiện anh đang làm công nhân nghề hàn tại Công ty Lilama 18, với lương cơ bản 600 ngàn đồng/ngày. Anh Lộc chia sẻ: Được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp nên sau khi tốt nghiệp đã được công ty nhận vào làm việc. Thu nhập hiện nay cũng rất ổn định, ngoài để trang trải cuộc sống, sinh hoạt, hàng tháng mình vẫn gửi tiền về nhà để phụ giúp gia đình. Tương tự, anh Đỗ Duy Tân hiện đang làm kỹ thuật xây dựng cho doanh nghiệp cũng đang có thu nhập khá cao, khoảng trên 10 triệu đồng/ tháng. Anh Tân tâm sự: Trước kia mình nghĩ chỉ có con đường vào đại học mới có một tương lai tươi sáng, nhưng giờ có việc làm và thu nhập ổn định mình đã thay đổi suy nghĩ, không chỉ có con đường học đại học mà học nghề cũng là một lựa chọn đúng đắn và phù hợp với khả năng của từng người, chỉ cần chịu khó học hỏi cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân thì có thể phát triển sự nghiệp.

 
Đào tạo nghề may công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: T.Q

Không chỉ có anh Lộc, anh Tân, trong những năm qua, có hàng ngàn học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định. Theo thống kê của nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%. Có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay khi còn đi thực tập và được trả lương như những công nhân khác của đơn vị. Theo ông Phan Văn Chiến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, nhà trường luôn xác định nhiệm vụ đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Trên cơ sở đó, nhà trường tập trung xây dựng chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị đào tạo các nghề gắn với đào tạo nguồn nhân lực nhằm đảm bảo nhu cầu về số lượng và nâng cao chất lượng lao động cho 6 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.

Hiện nay, nhà trường có 5 khoa, đào tạo 12 ngành cao đẳng, 16 ngành trung cấp và 13 ngành sơ cấp. Năm học 2017-2018, nhà trường có 1.750 học sinh, sinh viên. Với mục tiêu phấn đấu trở thành cơ sở dạy nghề chất lượng cao để cung ứng nguồn nhân lực có tác phong công nghiệp và tay nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, thời gian qua, cùng với công tác đào tạo nghề, vấn đề nhà trường đặc biệt quan tâm đó là gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Một trong những giải pháp được nhà trường triển khai thực hiện và đã mang lại hiệu quả nhất định, đó là liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động, đưa sinh viên đến các cơ sở, doanh nghiệp, công ty lớn thực tập để sau này các em có thể làm việc ngay tại công ty, như: Công ty Nam Miền Trung, Công ty Lilama 7,10, 18, 18.1, 451, Công ty May Tiến Thuận, May Quảng Phú, May Hoa In, Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử, Resort TTC... Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng, công nghệ và thiết bị, các phòng học lý thuyết, xưởng thực hành và các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề tốt nhất.

Ông Phan Văn Chiến cho biết thêm: Thời gian tới, nhà trường tập trung xây dựng chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với nhu cầu xã hội đang cần, đưa học sinh, sinh viên đi thực tập ngay những năm đầu để các em có thể tiếp xúc thực tế. Đồng thời tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp và linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp. Trong đó nhà trường chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo đều phải có sự tham gia của doanh nghiệp, chuyển đổi sự đánh giá học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa trên văn bằng sang đánh giá dựa trên năng lực thực hiện. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục tăng cường mở rộng việc liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên được học nghề thực tế, từ đó tiếp nhận các em sau khi tốt nghiệp ra trường vào làm việc.