Đảm bảo vệ sinh môi trường tại các vùng ven biển - đâu là giải pháp?

(NTO) Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng ven biển đã vượt mức “báo động đỏ”, không những làm ảnh hưởng đến bộ mặt du lịch của tỉnh, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân địa phương. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền và có nhiều cuộc ra quân, vận động người dân tham gia thu gom rác thải để làm sạch môi trường tại các khu vực ven biển. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là giải pháp tình thế.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đoạn bờ kè từ Đồn Biên phòng Ninh Chử đến cầu Tri Thủy (dọc theo đường Đầm Nại, thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), rác thải đổ dọc bờ kè tuy đã giảm rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn chưa “sạch”, tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Ông Phạm Ngọc Thương, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) cho biết: Đoạn bờ kè này có chiều dài khoảng 1,5 km, nằm tiếp giáp với 6 khu dân cư của thị trấn, bờ bên kia là 2 thôn Tân An và Tri Thủy của xã Tri Hải. Đây là khu vực neo đậu thường xuyên của hơn 600 tàu thuyền của thị trấn Khánh Hải và xã Tri Hải, chưa kể khu Cảng cá Khánh Hội và tàu thuyền vãng lai. Mặc dù thị trấn có lực lượng thu gom rác hằng ngày đối với tất cả các khu phố theo phương thức thu gom không tiếp đất và vận chuyển về nhà máy xử lý rác Nam Thành để xử lý, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là số hộ gia đình sống sâu trong một số hẻm nhỏ nằm gần vùng bờ kè, xe không vào được để thu gom rác. Đáng nói nữa là không chỉ có người dân địa phương đổ rác, mà phần lớn các tàu thuyền neo đậu đều vứt rác thải sinh hoạt xuống biển, dẫn đến tình trạng rác thải thường xuyên tấp vào dọc bờ kè, nhiều nhất là khu vực từ khu phố Khánh Tân đến chợ Khánh Hải với chiều dài hơn 400 m. Cho nên, khó có thể xóa các “tụ điểm” rác tại khu vực này.

Đoạn bờ kè từ Đồn Biên phòng Ninh Chử đến cầu Tri Thủy (thị trấn Khánh Hải,
Ninh Hải), vẫn còn tình trạng người dân vứt rác không đúng nơi quy định.

Tại bờ kè Đông Hải (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), theo quan sát của chúng tôi, lượng rác thải dọc bờ kè đã giảm đi khá nhiều do địa phương phát động các đợt thu dọn gần đây, tuy nhiên, chiều dài bờ kè gần 2,5 km với trên 500 hộ dân sinh sống nhưng khu vực này chỉ có 5 xe rác đặt dọc bờ kè, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, trong khu dân cư có nhiều tuyến đường quá hẹp, còn trên 25% tuyến đường chưa được bê tông nên xe thu gom rác không vào được, dẫn đến việc nhiều hộ dân vẫn còn đem rác vứt ra ngoài lạch sông, biển, vỉa hè. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chia sẻ: Toàn phường có 3.739 hộ được lập bộ thu phí rác thải, chiếm 69% tổng số hộ, trong đó còn có đến gần 880 hộ ở vị trí xe không thể vào thu gom rác. Mặt khác, số lượng xe rác đặt tại kè biển còn thiếu, phân bổ không đủ. Việc xử lý các hộ không nộp phí vệ sinh, không tham gia mô hình thu gom rác còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu tuyên truyền, vận động là chính nên khó có thể chấm dứt tình trạng đổ rác dọc bờ kè, nơi công cộng. Tại 2 xã vùng biển Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) cũng rơi vào “tình cảnh” tương tự, nổi lên là tình trạng người dân vứt rác, xả thải bừa bãi xuống biển và ven bờ kè chắn sóng, cộng với mùa gió Nam như hiện nay, rác thải trôi tấp vào bờ đã gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng... Không chỉ các xã vùng biển mà ngay cả dọc dài bãi biển Ninh Chử-Bình Sơn rác hiện vẫn đang là nỗi “ám ảnh” cả người dân tắm biển và du khách từ nhiều năm qua, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh một bãi biển vốn nằm trong “tốp” đẹp nhất Việt Nam!.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khắc phục tình trạng nêu trên một cách căn cơ?. Theo chúng tôi, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong Nhân dân, các địa phương vùng biển cần tiếp tục thực hiện tốt việc thu gom rác thải trong khu dân cư theo hình thức không tiếp đất. Tổ chức cho các hộ dân sống dọc theo khu vực kè biển, các tàu thuyền neo đậu khu vực cảng cá, bến cá ký cam kết không đổ, xả rác xuống biển, đồng thời đầu tư nhiều thùng rác để dọc theo kè biển để người dân bỏ rác thải đúng nơi quy định... Kinh nghiệm từ huyện Ninh Hải, đó là ngoài việc hợp đồng một số người dân tổ chức thu gom rác trong khu dân cư, đối với khu vực dọc bờ kè Khánh Hội và trước Cảng cá Ninh Chử, UBND xã phối hợp với Ban quản lý cảng tổ chức cho 25 hộ dân sống quanh khu vực này ký cam kết giữ vệ sinh môi trường và thường xuyên tổng dọn vệ sinh, đảm bảo môi trường biển sạch-đẹp, nhờ đó đã đem lại nhiều kết quả. Được biết, mới đây đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra vệ sinh môi trường tại các khu vực ven biển. Qua thực tế kiểm tra, đồng chí chỉ đạo các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong Nhân dân và có biện pháp giải quyết dứt điểm các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường bằng nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực như vận động và huy động đóng góp trong Nhân dân phục vụ việc thu gom rác trong khu dân cư và các khu vực công cộng, ven biển; phân công cho các lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, các đoàn thể làm sạch bãi biển theo định kỳ hàng tháng, hàng quý để đảm bảo cảnh quan và môi trường biển sạch-đẹp hơn.