Thế giới trong tuần

1. Trong tuần thông tin nổi bật, đó là có trên 40 nước đã ký một hiệp ước mới về cấm vũ khí hạt nhân, được Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên Mỹ, Anh, Pháp và một số nước khác đã tẩy chay buổi ký kết được tổ chức khi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự phiên họp cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 tại New York (Niu Y-oóc), Mỹ. 

Phát biểu khai mạc buổi lễ ký hiệp ước trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-tê-rét) khẳng định hiện thế giới vẫn còn khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân và không thể cho phép những thứ vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm cho thế giới. Bản Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu có hiệu lực 90 ngày sau khi 50 nước đã thông qua văn kiện này. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được Liên hợp quốc thông qua từ tháng 7, song không một quốc gia nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân tham gia vào quá trình xây dựng nội dung hay bỏ phiếu thông qua. 

Trước đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chỉ trích hiệp ước nêu trên là “không thực tế”, đồng thời cảnh báo hiệp ước này có thể cản trở những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. 

Tổ chức quân sự bao gồm 29 quốc gia thành viên cũng cảnh báo hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ sẽ làm xói mòn ý nghĩa của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết từ năm 1968 nhằm ngăn chặn sự nhân rộng các loại vũ khí hạt nhân cũng như gây sức ép buộc các quốc gia giảm dần số lượng vũ khí hạt nhân sở hữu. 

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được thông qua ngày 7-7-2017 tại một cuộc họp có sự tham gia của 124 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Trong khi các quốc gia ủng hộ cho rằng đây là một bước đi quan trọng thì hầu hết các nước thành viên NATO đều tẩy chay các vòng đàm phán chuẩn bị nội dung của hiệp ước này.

2. Một thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. 

Phát biểu ngày 21-9 với báo giới tại thủ đô Manila của Philippines sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên biên giới lần thứ 11 (AMMTC) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đặc biệt về sự nổi lên của cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực (SAMMRRVE), Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Catalino Cuy (Ca-ta-li-nô Kuy) cho biết các bộ trưởng đều thừa nhận rằng “chủ nghĩa cực đoan bạo lực là mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” và nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn trong các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, bao gồm chia sẻ thông tin, trao đổi các kinh nghiệm, huấn luyện, xây dựng các năng lực và chia sẻ các nguồn lực. 

Tại các hội nghị trên, các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng kết thúc chiến dịch vây hãm các phần tử khủng bố ở thành phố Marawi (Ma-ra-uy), miền Nam Philippines, do lo ngại chúng có thể tràn sang các nước láng giềng châu Á. Các nước đối tác đối thoại của ASEAN đang theo dõi sát tình hình và bày tỏ lo ngại khi tình hình tại Marawi kéo sang tháng thứ 4  cũng như khả năng có công dân nước mình dính líu đến cuộc xung đột này. Bộ trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ hy vọng chiến sự tại Marawi sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất. 

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đã nhất trí giám sát sự di chuyển của các nhóm nghi là khủng bố nước ngoài đang có ý định xâm nhập khu vực này, bao gồm giám sát các giao dịch tài chính khả nghi. Các bộ trưởng đã thể hiện “cam kết mạnh” cùng nhau giải quyết các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực bằng việc thông qua 2 văn kiện quan trọng - gồm Tuyên bố Manila về chống lại sự nổi lên của cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, và Kế hoạch Hành động tổng thể ASEAN về chống chủ nghĩa khủng bố - nhằm đối phó với các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. 

Các bộ trưởng đã thông qua các tiêu chuẩn tham khảo của AMMTC nhằm tạo điều kiện cho phối hợp và hợp tác khu vực trong phòng chống tội phạm xuyên biên giới, trong đó có buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy, buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, rửa tiền, hải tặc, tội phạm mạng, tội phạm kinh tế, tội phạm môi trường, đánh cắp sở hữu trí tuệ, và buôn lậu các tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. 

3. Chỉ trong vòng 2 tuần qua, Mexico đã phải hứng chịu hai trận động đất mạnh liên tiếp khiến hơn 350 người thiệt mạng, hàng triệu người bị ảnh hưởng, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy và hư hỏng nặng. 

Các nghiên cứu gần đây cho biết, Mexico nằm trong khu vực địa chấn cao, với sự tương tác của 5 mảng kiến tạo gồm Bắc Mỹ, Cocos, Thái Bình Dương, Rivera và Caribe, đồng thời cũng thuộc Vành đai lửa-vòng cung từ châu Mỹ sang châu Á, nơi tập trung tới 90% các trận động đất trên thế giới, trong đó có 8/10 trận động đất mạnh nhất. 

Dọc theo bờ biển Mexico phía Thái Bình Dương, mảng kiến tạo Cocos trượt dưới mảng Bắc Mỹ với vận tốc 8cm/năm, quá trình này đã tích tụ năng lượng tại các khu vực tiếp xúc giữa hai mảng kiến tạo. Khi các khu vực này không di chuyển với biên độ vài centimet để giải phóng sức bị tích tụ thì sẽ gây ra một trận động đất mạnh. 

Các chuyên gia cũng chỉ ra khi một trận động đất lớn xảy ra sẽ kèm theo hàng chục hoặc hàng trăm dư chấn có thể tiếp diễn trong vài ngày hoặc vài tuần sau do quá trình sắp xếp lại các lớp địa chất, đá nằm trong khu vực bị phá vỡ dưới mặt đất.

Cơ quan nghiên cứu Đại dương và Khí quyển Mexico cho biết trung bình hàng ngày ghi nhận khoảng 40 trận động đất tại quốc gia Bắc Mỹ này. Từ năm 1985 tới nay, đã xảy ra 28 trận động đất với cường độ trên 5 độ Richter tại Mexico, trong đó, 40% số trận động đất mạnh trên 7 độ Richter.