Ông Nguyễn Ngọc Ninh vươn lên làm giàu

(NTO) Được đồng chí Nguyễn Trường Vinh, Bí thư Chi bộ thôn La Chữ, xã Phước Hữu (Ninh Phước) dẫn đường tôi đến vùng đất rẫy ven sông Lu tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Ninh (ảnh). Đó là một nông dân cần cù, chịu khó, tuy đã 65 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, được tuyên dương là gương điển hình nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.

 
Ông Nguyễn Ngọc Ninh vươn lên làm giàu ở thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Vân Tuyền

Cách đây 20 năm, do đất sản xuất trong làng ngày càng khan hiếm, ông Ninh đã lên đây tìm sang nhượng đất. Ngày ấy vùng này chỉ toàn đất pha cát bạc màu và phần nhiều bỏ hoang hóa. Để có thể trồng trọt được, ông bỏ công phát dọn, cày xới và bón thúc phân chuồng, dần dần tạo lớp mùn cho đất. Sau vài năm, khi đất đã thuần, ông khai thác lợi thế có nguồn nước của hệ thống kênh nội đồng cạnh bên để trồng lúa. Từ 4-5 sào ban đầu và chỉ làm 1 vụ lúa, ông tăng dần diện tích lên 1 ha và tăng lên 2 vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha, thuộc loại năng suất lúa cao nhất vùng. Ngoài lúa, ông còn có 5 sào đất trồng bắp, đậu và cỏ chăn nuôi. Chỉ vào giàn táo đã phá bỏ chỉ còn trơ lại các thân gốc to, ông Nguyễn Ngọc Ninh chia sẻ: Trước kia tôi làm 2 sào táo rất đạt, cho thu nhập đáng kể, nhưng rồi tôi nhận ra đất của mình thích hợp với các loại cây ngắn ngày hơn nên đã chặt giàn táo.

Là người hiểu rõ đặc điểm thổ nhưỡng trên đất của mình, ông Ninh linh hoạt canh tác tùy theo thời vụ. Chẳng hạn ruộng lúa, có năm chỉ làm 1 vụ nhưng ông lại thực hiện luân canh trồng các cây trồng cạn như bắp, đậu xanh và dưa hấu vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa tiết kiệm nước. Đặc biệt, ông còn trồng một số cây hoa màu khác trái vụ nên thu hoạch bán được giá cao, đơn cử như dưa hấu. Vào thời điểm chúng tôi có mặt ở đây, nông dân La Chữ vừa thu hoạch xong mùa dưa hấu, nhưng trên rẫy ông lại có 8 sào dưa hấu mới trồng 1 tháng. Theo lời ông, việc trồng dưa trái vụ là nhằm khai thác lợi thế đất nằm cạnh sông Lu, thuận tiện việc đặt máy bơm tưới. Vụ thu hoạch vừa qua, trung bình dưa hấu trồng ở La Chữ có năng suất 3 tấn/sào, lãi ròng hơn 60 triệu đồng/ha, vì vậy với diện tích dưa đang trồng, ông dự kiến sẽ có năng suất và thu nhập tương tự, nghĩa là cao gấp 2-3 lần trồng lúa.

Cùng với trồng trọt, ông Nguyễn Ngọc Ninh còn phát triển chăn nuôi bò, cừu. Tận dụng lợi thế có cánh đồng cỏ tự nhiên dồi dào, các phụ phẩm từ thân cây bắp, đậu và trồng dặm hơn 1 sào cỏ chăn nuôi, do cung cấp đủ thức ăn nên đàn gia súc sinh trưởng nhanh. Trong chuồng nuôi của gia đình ông lúc nào cũng có trên 6 con bò nuôi vỗ béo, cứ sau 1,5-2 năm là xuất chuồng bán và nuôi lứa khác. Đàn cừu chăn thả của ông qua nhiều năm cũng tăng dần, hiện có khoảng trên 200 con, hằng năm xuất bán chừng 40 con cừu đực thương phẩm. Ông cho biết vùng đất rẫy nhà vì sát bên sông nên có năm nước dâng tràn bờ, ngập tới ngực, lúc ấy phải di chuyển đàn gia súc đi nơi khác rất cực, nhưng bù lại đã bồi đắp phù sa cho đất canh tác. Hơn 10 năm trước, để thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi, ông Ninh đã xây ngôi nhà rộng 100m2 và đưa gia đình về sống hẳn nơi đây.

Từ một vùng đất cát nghèo ở nơi hẻo lánh, bị bỏ hoang hóa, qua bàn tay lao động cần cù, ông Nguyễn Ngọc Ninh đã biến nó thành rẫy màu mỡ, có cây trồng xanh tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ước tính của ông, thu nhập hàng năm từ trồng trọt và chăn nuôi khoảng 200 triệu đồng, nhờ chí thú làm ăn ông đã cải thiện đáng kể đời sống gia đình.