Xây dựng làng nông thôn mới Saemaul Đồng hành để đi đến thành công

(NTO) Thông qua hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc, năm 2014, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) triển khai Mô hình thí điểm làng nông thôn mới Saemaul ở thôn Tầm Ngân 2, tiếp đến các thôn Tân Lập 2 (xã Lương Sơn), thôn Tân Mỹ (xã Mỹ Sơn) cũng được hưởng lợi từ chương trình. Đến nay, kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có một số hộ vẫn còn tư tưởng “ỷ lại” khiến cho phong trào có nơi phát triển chậm, cần sớm khai thông để tạo sức lan tỏa rộng.

Về thôn Tân Lập 2 đúng vào dịp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Saemaul đang tổ chức thu hoạch vụ hè-thu. Trên cánh đồng lúa hữu cơ rộn ràng tiếng máy gặt liên hợp, nông dân rất phấn khởi khi năng suất đạt cao (trên 7 tấn/ha), sản phẩm lúa sạch được thương lái ở tỉnh Lâm Đồng mua với giá cao hơn 20% so với lúa sản xuất theo phương thức truyền thống. Anh Đỗ Tiến Cao, Trưởng Ban quản lý thôn, phấn khởi cho biết: Địa phương có thế mạnh phát triển nghề trồng lúa nhờ điều kiện đất đai rộng, thủy lợi thông suốt, tuy nhiên với hình thức canh tác nhỏ lẻ trước đây, nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến cho giá trị hạt gạo thấp đang là hạn chế lớn. Chi bộ, Ban quản lý thôn tổ chức nhiều đợt vận động bà con thực hiện quy trình sản xuất lúa sạch, nhưng “lực bất tòng tâm” do thiếu vốn và vướng “độ ì” của một số hộ không muốn đổi mới. Chỉ đến khi có sự giúp đỡ của Đoàn tình nguyện viên Saemaul, phong trào sản xuất lúa hữu cơ mới được khởi động.

Được sự hỗ trợ của Đoàn tình nguyện viên Saemaul, nông dân thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn
triển khai có hiệu quả Mô hình trồng lúa hữu cơ.

Mô hình xây dựng làng nông thôn mới Saemaul tập trung vận động thay đổi ý thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo tin vào sức mình, truyền cảm hứng mạnh mẽ để mỗi cá nhân quyết tâm vượt qua khó khăn đi đến thắng lợi. Câu chuyện sản xuất lúa hữu cơ ở thôn Tân Lập 2 không dừng tại khâu chú trọng nâng cao chất lượng hạt gạo, mà còn phát triển chuỗi giá trị sau thu hoạch như phơi bằng lò sấy, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Cuộc vận động cải cách ý thức dựa trên tinh thần “đã đi là đến” của Mô hình Saemaul tạo thêm nghị lực không riêng cho nông dân vùng đồng bằng, mà cả bà con dân tộc thiểu số ở xã Lâm Sơn cũng từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu chuyển sang hình thức sản xuất hiện đại, với khát vọng vươn lên thoát nghèo, hòa nhập vào tiến trình phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Khi có sự hỗ trợ của Đoàn tình nguyện viên Saemaul, bà con “chớp thời cơ” triển khai trồng ớt ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả tốt, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở vùng núi phát triển lên tầm cao mới. Anh Dà Droách Ha Khiết, Trưởng Ban quản lý thôn Tầm Ngân 2, cho biết: Bà con trong thôn đang đứng trước cơ hội thoát nghèo, được làm việc với tổ chức tiến bộ nước ngoài, tiếp cận quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng cao, cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cũng chú trọng vận động nông dân phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới như ở thôn Tầm Ngân 2, Tân Lập 2, nhưng khi triển khai Mô hình Saemaul ở thôn Tân Mỹ kết quả đạt được chưa như mong muốn. Với đặc điểm của thôn tỷ lệ hộ nghèo cao (lên tới 60%), mô hình chú trọng tập trung vào nội dung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo. Một trong những nội dung hoạt động của Saemaul quan tâm là xây dựng 3 nhà kính ươm giống cây trồng, khu chế biến sản phẩm. Tại các nông trang khép kín này, Đoàn tình nguyện viên Saemaul sẽ hướng kỹ thuật trồng trọt cho các hộ nghèo để họ có thể tự tổ chức sản xuất, tạo thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Mỹ Sơn, mọi hoạt động đang diễn ra một chiều, các hộ chưa thực sự hợp tác triển khai những nội dung công việc theo tinh thần của Saemaul.

Đồng chí Võ Thị Quý Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, nhìn nhận: Hạn chế trên xuất phát từ trình độ dân trí ở thôn còn thấp, coi xây dựng nông thôn mới là việc của người khác; trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu để bà con học tập làm theo. Còn 2 năm nữa kết thúc chương trình, nếu kéo dài tình trạng này phần thiệt sẽ thuộc về bà con địa phương, đáng tiếc hơn là đánh mất cơ hội phát triển. Tại buổi làm việc với Đoàn tình nguyện viên Saemaul vào ngày 8-9 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Ngay từ bây giờ, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân trong vùng hưởng lợi phải sát cánh cùng với Đoàn tình nguyện viên thực hiện các nội dung, kế hoạch của Saemaul theo phương châm tự nguyện, đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn để đi đến thành công.