Sống mãi âm vang Mã la

(NTO) Có một thời gian, nhiều người lo lắng trước nguy cơ bị mai một của nhạc cụ Mã la trong đời sống đồng bào Raglai. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, “Hội thi trình diễn nhạc cụ Mã la của đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận 2017” diễn ra thành công vượt xa mong đợi của bao người, nỗi niềm ấy như được xua tan. Hội thi thể hiện sự quan tâm của tỉnh ta đối với loại hình văn hóa tiêu biểu của đồng bào Raglai.

Nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời là Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, ông Nguyễn Hải Liên phấn khởi: Đây là hội thi hiếm thấy và đặc biệt. Sở dĩ lại nói như vậy, bởi vì những người đứng trên sàn diễn là những thiếu niên, nhi đồng, có em chỉ mới 7 tuổi. Trong số hơn 70 thí sinh tham dự, có đến 85% là nữ; 9 đơn vị tham gia hội thi là con em của 9 gia tộc đồng bào Raglai chứ không phải là của các đơn vị thôn, xã hay huyện như các hội thi, kỳ liên hoan văn nghệ quần chúng thông thường trước đây. Chính sự tham gia của thế hệ trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ trong gia tộc là bí quyết để bảo tồn, phát huy loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào Raglai một cách hiệu quả và bền vững nhất. Những người làm công tác truyền dạy cho các em tham gia hội thi lần này không phải ai khác mà chính là những nghệ nhân, người cha, người mẹ của các em trong gia tộc ấy. Họ là những người nặng lòng nhất, giàu tâm huyết nhất với nền văn hóa riêng có của đồng bào mình. Đó là bài học mà cả một hành trình dài hơn 20 năm làm nghiên cứu, nhà văn hóa Hải Liên mới rút ra được.

Tiết mục biểu diễn trống đất, chiêng nứa hòa tấu cùng kèn bầu Sarakel
của tộc họ Tà Yên, thôn Do, xã Ma Nới (Ninh Sơn).

Nói đến văn hóa người Raglai, người ta nghĩ đến Mã la, cũng như khi nói đến nhạc cụ Mã la, người ta nghĩ ngay đến người Raglai. Mã la là nhạc cụ tiêu biểu, phố biến nhất và là tiếng lòng của người Raglai, nhưng nó không phải là duy nhất. Trong kho tàng âm nhạc Raglai, ngoài Mã la còn có nhiều di sản nghệ thuật khác có mối quan hệ máu thịt với nhạc cụ Mã la. Đó là kèn bầu, Chapi, chiêng nứa, Mã la ống nứa, sáo trúc, đi cùng với hoạt động hát dân ca, kể chuyện sử thi… Việc bảo tồn Mã la cần phải song hành với bảo tồn các loại hình nhạc cụ đi kèm. Do vậy, mặc dù có tên gọi “Hội thi trình diễn nhạc cụ Mã la của đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận 2017”, nhưng trong hội thi người xem được thưởng thức nhiều tiết mục biểu diễn từ các loại nhạc cụ này. Tất cả cùng làm nên bữa tiệc âm nhạc sống động, thu hút hàng trăm khán giả dưới chân núi Tà Năng hôm ấy. Đặc biệt hơn cả, trong hội thi lần này, nhiều di sản văn hóa cổ truyền đã mất hoặc bị mai một như: Trống đất, chiêng nứa, Mã la ống nứa, hát dân ca, hát kể chuyện sử thi được phục dựng, tái hiện thành công. Đây chính là cơ sở, tiền đề bảo tồn các loại nhạc cụ này về sau.

Trong tiếng kèn, tiếng nhạc, những người con Raglai hôm ấy, từ người già, người trẻ, những người tham gia hội thi đến những người con của gia tộc khác chưa có dịp tham dự trong hội thi đều không giấu nổi niềm vui, niềm phấn khởi, khi được chứng kiến các em thiếu niên nhi đồng xúng xính váy áo biểu diễn các loại nhạc cụ dân gian của đồng bào mình. Ông Mai Văn Duối, gia tộc Patâu Axá, xã Phước Thắng (Bác Ái) chia sẻ: Tham dự hội thi, gia tộc ông có 9 thí sinh từ 12-16 tuổi, tích cực tập luyện trong vòng 5 tháng. Đến với hội thi, ông cảm thấy vui mừng khi được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các gia tộc khác đến từ các huyện Ninh Sơn, Thuận Nam. Vui hơn cả là từ nay, ông cảm thấy yên tâm vì văn hóa của cộng đồng mình đã có người kế thừa.

Ông Duối cho biết thêm: Trong quá trình ông cùng các em trong đội luyện tập để tham gia hội thi, có rất nhiều em đến xem và thích thú xin được chỉ dạy. Có em còn rất nhỏ, thậm chí không cầm nổi chiếc Mã la. Đó là niềm vui khôn xiết cho những bậc nghệ nhân truyền dạy báu vật dân tộc mình như ông Duối. Em Patâu Axá Thị Sương đến từ xã Phước Thắng cho biết: Lúc đầu chúng em rất nản, tập luyện mãi cũng chẳng tập được một bài. Thế nhưng, dần dần, chúng em cảm nhận được âm điệu, nhịp điệu của Mã la nên mê. Bây giờ, ngoài chơi Mã la, em còn thành thạo 3 bài kèn bầu.

Tin chắc rằng, sự thành công vượt ngoài mong đợi của hội thi hôm nay sẽ lan tỏa tình yêu giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai trong tâm hồn mỗi người con dân tộc. Thế hệ những thí sinh hôm nay, sẽ tiếp tục luyện tập, trở thành những nghệ nhân mang trong mình trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào mình đến với lớp lớp thế hệ mai sau, để âm thanh trong trẻo tiếng Mã la mãi mãi ngân vang núi đồi.