Thuận Bắc: Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đặc biệt khó khăn

(NTO) Nhờ lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ để hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay, cuộc sống của các hộ dân thuộc vùng khó khăn trên địa bàn huyện Thuận Bắc đã ngày một ổn định.

 
Từ các chính sách hỗ trợ đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở những vùng khó khăn trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Ảnh: H.L

Huyện Thuận Bắc hiện có trên 10.000 hộ dân, với 44.657 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Thuận Sa Pa, Phó phòng Dân tộc huyện, cho biết: Toàn huyện có 6 xã, với 32 thôn, trong đó có 3 xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn và 2 thôn Ấn Đạt và Suối Đá (xã Lợi Hải) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, địa phương tranh thủ tối đa các nguồn vốn được phân bổ để hỗ trợ phù hợp cho người dân đầu tư phát triển kinh tế theo lợi thế của từng vùng và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đối với Chương trình 135 (giai đoạn II), huyện đã hỗ trợ trên 43.000 cây mít nghệ giống cho 864 hộ dân để trồng trên diện tích 212 ha tại những vùng đất dốc, triền núi ở các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn và Lợi Hải. Thông qua Dự án Hỗ trợ Tam nông đã hỗ trợ 181 con bò, 568 con dê, 366 con cừu, 120 con heo đen… Riêng về hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã khai hoang với diện tích trên 200 ha cấp cho 365 hộ dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 212 hộ, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi năm có hàng ngàn hộ dân thuộc vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung vận động nhân dân sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ, đồng thời, phối hợp với các phòng, ban có giải pháp phù hợp, hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả.

Phước Kháng là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm đa số. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã tạo động lực cho người dân tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Katơ Đượng, Bí thư đảng ủy xã, nhìn nhận: Với đặc thù là xã miền núi, đa số người dân đều thiếu vốn sản xuất, nên việc Nhà nước hỗ trợ phân bón, cây, con giống… để phát triển sản xuất không chỉ giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ dân, mà còn tác động rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135, huyện Thuận Bắc đã cấp 26 con bò, hỗ trợ 27 con dê; 300 cây tre lấy măng và 30.000 cây mít nghệ giống cho 95 hộ, với tổng kinh phí trên 325 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg cho 32 hộ để mua bò, dê phát triển chăn nuôi, với số tiền trên 160 triệu đồng… Anh Katơ Vang, thôn Suối Le, xã Phước Kháng chia sẻ: Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, vừa qua được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay thêm 15 triệu đồng, mình mua 2 con bò về nuôi. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ xã về cách chăm sóc, đến nay bò phát triển khá tốt nên mình phấn khởi lắm, xem đây là số vốn để tích lũy làm ăn sau này.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, địa phương còn thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế đối với những vùng thuộc diện khó khăn. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với tiềm năng, lợi thế ở mỗi vùng, nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo ở địa phương.