Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm sau nho

(NTO) Thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm sau nho của ngành chức năng trong thời gian qua đã có tác dụng nâng cao giá trị sản phẩm nho, cũng như lợi nhuận cho hộ sản xuất và doanh nghiệp.

Tỉnh ta xác định nho là sản phẩm đặc thù, tập trung ưu tiên phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến để tạo ra giá trị gia tăng. Việc tỉnh sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, nghề trồng nho đang ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Hiện tại, diện tích nho trên địa bàn tỉnh đạt 1.200 ha, dự kiến đến năm 2020 tăng lên 2.500 ha. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, một số hộ đã sản xuất rượu nho theo phương pháp truyền thống, tạo thương hiệu riêng và phát triển thị trường mạnh mẽ trong và ngoài tỉnh. Hoạt động chế biến các sản phẩm sau nho đang phát triển và thu hút ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp và 41 hộ kinh doanh tham gia sản xuất vang nho với quy mô công suất ước đạt 230.000 lít/năm. Ngoài ra, từ nho cũng đã hình thành thêm các sản phẩm như mứt nho, mật nho, nho khô, xí muội nho, nước rong nho… được thị trường ưa chuộng. Các cơ sở chế biến đang chú trọng phát triển dòng sản phẩm này. Nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến, dần thay thế phương pháp sản xuất thủ công trước đây. Đơn cử, Công ty TNHH Đồ uống Phan Rang trang bị công nghệ máy móc hiện đại, bán tự động ở khâu lựa chọn nho; các giai đoạn nghiền, ép nho, lắng lọc, hoàn chỉnh, đóng chai đều tự động hóa.

 
Cơ sở sơ chế nho sau thu hoạch của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất, dịch vụ và thương mại Ba Mọi . Ảnh: A.T

Không dừng lại đó, ngành chức năng còn đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra, quảng bá thương hiệu các sản phẩm sau nho, khuyến khích các thành phần kinh tế an tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hằng năm, thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, đơn vị đã tổ chức cho các cơ sở, doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ, sản xuất và kinh doanh sản phẩm nho trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ thương mại, kết nối cung - cầu. Kết quả đến nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tiếp cận được 72 chợ đầu mối, siêu thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm tiêu thụ được 15.600 chai rượu nho, mật nho, sirô nho.

Các nhiệm vụ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nho thực hiện trong thời gian qua đã từng bước khẳng định được vai trò, nhiệm vụ của ngành trong việc phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Trước đây, công tác kết nối thị trường chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm sau nho ít người tiêu dùng biết đến, gần đây mặt hàng này được giới thiệu rộng rãi, từng bước nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm sau nho cũng năng động hơn trong tiếp cận thị trường mới, chủ động xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, chiến lược phát triển lâu dài.

Tuy vậy, hoạt động chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau nho còn gặp những khó khăn nhất định, cần sớm khắc phục để nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa cùng chủng loại. Hạn chế này thể hiện ở chỗ, một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, khả năng cung ứng sản phẩm với khối lượng lớn, ổn định cho các siêu thị còn hạn chế, dẫn đến sự liên kết trong phát triển chuỗi giá trị nho còn hạn chế. Giải pháp khắc phục được ngành chức năng đề ra, đó là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, cải tạo các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nâng công suất, quy mô thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng. Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dần tiến tới áp dụng các hình thức quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến, có uy tín, thương hiệu đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Quy hoạch vùng sản xuất nho rượu ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và một số khu vực khác, với diện tích 220 ha, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng đạt 550 tấn/năm.